(TUAG)-
Thoại Ngọc Hầu, một danh thần của nhà Nguyễn, công thần trong việc gầy
dựng cơ nghiệp của Vua Gia Long (Nguyễn Ánh), người có nhiều công lao to
lớn đối với đất nước, vùng đất Nam Bộ và đặc biệt là vùng đất An Giang.
Tầm nhìn chiến lược và những công trình của Ông để lại hậu thế không những
đã đặt nền móng cho quá trình khẩn điền, mở cõi vùng Nam Bộ trong thế kỷ XIX mà còn mang ý nghĩa đặc biệt đến hôm nay và mai sau.

Tượng Danh
thần Thoại Ngọc Hầu tại lăng Thoại Ngọc
Hầu
Danh
thần Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ngày 26 tháng 11
năm Tân Tỵ (1761), niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 22, tại làng An Hải,
tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay
thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Thân sinh của
Ông, cụ ông Nguyễn Văn Lượng và cụ bà Nguyễn Thị Tuyết. Từ nhỏ, Ông theo
gia đình di cư vào Nam, định cư tại cù lao Dài (nay thuộc 02 xã Thanh
Bình và Quới Thiện của tỉnh Vĩnh Long).
Chánh
thất của ông Nguyễn Văn Thoại là bà Châu Thị Vĩnh Tế, sinh tháng 4 năm
Bính Tuất (1766), con cụ ông Châu Vĩnh Huy và cụ bà Đỗ Thị Toán. Vào
những năm giữa thế kỷ XVIII, gia đình bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng từ miền
Trung vào Nam, đến vùng đất cù lao Dài khai khẩn, biến vùng đất này trở
thành nơi trù phú.
Đến
mùa Xuân năm 1777, chúa Nguyễn Ánh tổ chức mộ binh tại Ba Giồng (Định
Tường), Nguyễn Văn Thoại đầu quân cho chúa Nguyễn. Là một người thông
minh, linh hoạt, lại tinh thông võ nghệ, đã lập được nhiều chiến công,
Ông được chúa Nguyễn phong làm Khâm sai Thượng đạo Đại tướng quân, rồi
đến Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân. Ông từng giữ chức Quản suất
biền binh lưu thủ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn, rồi trở về Nam giữ chức
Trấn thủ Định Tường (1808). Đến tháng 9, năm Quý Dậu (1813), vua Gia
Long sắc phong cho Nguyễn Văn Thoại lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên.
Năm
1817, Ông được triều đình triệu hồi về nước, cử làm Trấn thủ Vĩnh
Thanh. Sau đó, Ông đã bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh các cơ sở hành
chánh, xử lý những quan lại tham ô, hạch sách người dân. Mặt khác, Ông
triển khai thực hiện các chính sách của triều đình để phát triển kinh
tế, mở mang các trục giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho người
Khmer, người Minh Hương, người Chăm, người Việt đến khai khẩn những vùng
đất còn hoang vu ven các nhánh sông Tiền, sông Hậu để tạo lập xóm làng,
cùng khai khẩn đất hoang.
Lúc
bấy giờ, nhận thấy việc đi lại, trao đổi, mua bán ở vùng đất này còn
nhiều khó khăn, sông rạch tự nhiên rất quanh co, việc trao đổi hàng hóa
với Rạch Giá, Hà Tiên phải đi vòng đường biển. Do đó, yêu cầu đặt ra là
phải khơi nguồn, tháo lũ của sông Hậu ra biển Rạch Giá, Ông đã dâng biểu
tấu trình hoàng thượng việc đào kênh, mở giao thông thủy đi tắt từ Đông
Xuyên đến Rạch Giá.
Tấu sớ của Ông được Triều đình chấp thuận. Tháng 11 năm Đinh Sửu (1817), Triều đình lệnh cho Ông chuẩn bị đào kênh Tam Khê[1].
Đến mùa Xuân Mậu Dần (1818), Ông được Vua giáng chỉ đào kênh Tam Khê
với mục đích tạo thành giao thông thủy chiến lược quan trọng ở phía Tây
sông Hậu nối liền hai trấn Hà Tiên và Vĩnh Thanh. Đây là bước tiến lớn,
lần đầu tiên một con kênh dài được đào bằng sức người tại vùng Đồng bằng
sông Cửu Long, tạo điều kiện cho việc hình thành xóm làng để khai khẩn
đất hoang, phát triển kinh tế trên vùng đất An Giang xưa.
Nhận
được chỉ dụ, Ông cho xúc tiến đào kênh theo một lạch nước cũ, nối rạch
Đông Xuyên (rạch Long Xuyên) tại Vĩnh Trạch kéo dài theo hướng Tây Nam,
ngang qua chân núi Sập tiếp giáp sông Kiên Giang đổ ra biển ở cửa Rạch
Giá. Ông huy động khoảng 1.500 dân, quân luân phiên đào kênh liên tục.
Việc đào kênh rất khổ cực và nguy hiểm, nhất là những đoạn băng qua "rừng thiên nước độc, lam sơn chướng khí"
cùng với thú dữ tấn công… có nhiều dân phu gặp nạn. Tuy nhiên, công tác
hậu cần được Vợ Ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế hết lòng giúp đỡ, thông qua
huy động thân nhân của những người trực tiếp đào kênh chăm lo cho người
thân của mình.
Kênh Tam Khê được hoàn thành trong thời gian một tháng[2],
đáp ứng nguyện vọng của người dân, giúp quá trình quy dân tạo ấp lập
làng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao lưu trao đổi mua bán giữa các
vùng được thuận lợi, đảm bảo an toàn trong khu vực được giao quyền trấn
thủ. Việc này được Ông nói rõ trong Bia Thoại Sơn: "Ngày
thụ mệnh Vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài
12.410 tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành
một con sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi"[3].
Ông cho vẽ họa đồ và làm sớ tâu lên Vua Gia Long. Nhận thấy những lợi
ích vượt ngoài mong đợi của dòng kênh mới, Vua Gia Long đã cho phép lấy
tên Ông để đặt tên kênh là Thoại Hà, vua đổi tên núi Sập thành Thoại Sơn
để biểu dương công lao của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại.
Đây
là cột mốc quan trọng đối với cuộc đời làm quan của Trấn thủ Nguyễn Văn
Thoại. Để ghi nhớ ơn Vua, Ông đã soạn một áng văn khắc vào bia đá và
lập miếu thờ Sơn thần bên triền núi Sập để tiến hành dựng bia phía
trước. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Ông mở hội làm Lễ dựng bia và khánh
thành Thần miếu; đầu bia được chạm to hai chữ "Thoại Sơn", mặt bia được
khắc đúng 629 chữ, để lưu lại hậu thế, trong đó có đoạn: "Kính
dựng một miếu thờ thần nơi chân núi, chạm đá làm bia, ghi rõ hai chữ
Thoại Sơn, cùng kể rõ nguyên lai tên núi, ngõ hầu lưu lại đời đời không
mất"[4].
Bên cạnh đó, Ông còn thực hiện truyền dụ của Vua đứng ra chiêu mộ dân
đến núi Sập tạo lập xóm làng, tiến hành khai khẩn đất đai dọc hai bên
kênh, biến những vùng đất hoang vu này thành vùng đất trù phú, sung túc,
xóm làng được đặt tên là Thoại Sơn để ghi nhớ công ơn của Ông.

Bí thư Tỉnh ủy
An Giang Lê Hồng Quang và lãnh đạo tỉnh
dâng hương tại lăng Thoại Ngọc Hầu
Từ
kết quả của việc đào kênh Thoại Hà, Vua Gia Long càng quyết tâm phải
đào cho được con kênh thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Tuy nhiên, ý định
đào kênh Châu Đốc - Hà Tiên được Vua nghĩ đến từ tháng Giêng, năm Bính
Tý (1816), trước khi tiến hành đào kênh Thoại Hà, khi đó Ông đang giữ
chức Bảo hộ Cao Miên, sau đó là Trấn thủ Vĩnh Thanh được lệnh Vua xây
thành Châu Đốc. Đến cuối năm Bính Tý (1816) thành Châu Đốc được xây
xong, Vua Gia Long xem địa đồ miền Châu Đốc, truyền với các quan rằng: "Đất
này nay mở đường sông để đi thẳng tới Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều
được lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một
trấn to lớn"[5]. Tuy
nhiên, sau khi suy xét kỹ lưỡng, Vua Gia Long ngưng ý định đào kênh
Châu Đốc - Hà Tiên, bởi Vua nhận thấy nước Cao Miên mới khắc phục được
những rối loạn trong nội bộ, nếu bắt dân tiếp tục phục dịch sẽ làm cho
dân lo sợ không yên. Vì vậy, đến tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), Vua truyền
chỉ cho Gia Định thành và quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại chỉ huy binh
dân đến Châu Đốc để khởi công đào kênh vào ngày rằm tháng Chạp[6]. Trước đó, Vua Gia Long ra chiếu dụ dân Vĩnh Thanh: "Đào
con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của Nhà nước, mưu hoạch về
biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi dẫu ngày nay khó nhọc, mà
thực có lợi cho muôn đời. Vậy nên bảo nhau, đừng sợ khó nhọc"[7].
Như
vậy, ngoài yêu cầu về giao thông, dân cư, mở mang kinh tế, thì theo Vua
Gia Long: "Vị thế Châu Đốc - Hà Tiên không kém Bắc Thành". Còn theo Vua
Minh Mạng thì đây là "vùng địa đầu quan yếu, ta đã từng xuống chỉ
chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền, gạo để lập ấp khẩn điền, quây quần
sinh nhai. Đó là ý niệm của ta trong vấn đề củng cố biên cương".
Theo
sử liệu triều Nguyễn, công trình đào kênh Vĩnh Tế kéo dài 97 km qua 5
năm thi công (1819 - 1824) với ba đợt. Ngay đợt đầu, đã huy động trên
10.000 nhân lực, bao gồm 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn
Uy Viễn, 5.000 dân là người Khmer. Kênh đi qua nhiều đoạn đất cứng rất
khó đào, lại gặp phải thời tiết thất thường, nhiều chướng khí, việc huy
động nhân lực gặp nhiều khó khăn, nạn thú dữ… làm cho công việc có lúc
phải gián đoạn hoặc chậm chạp. Vì vậy, Ông phải tìm cách để khắc phục
khó khăn, trở ngại.
Hiểu được khó khăn của Ông, trước khi cho tiến hành kế hoạch đợt hai, Vua Minh Mạng chỉ dụ: "Đường
sông Vĩnh Tế liền với Tân Cương, xe thuyền qua lại đều là tiện lợi. Đức
Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta mưu sâu, tính xa, chú ý việc ngoài
biên. Công việc đào kênh mới bắt đầu chưa xong. Nay ta theo chỉ tiên
hoàng, cố nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài về sau".
Sau
đó, Vua Minh Mạng lệnh cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt huy
động thêm nhiều dân binh hơn 55.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp
bằng sức người với dụng cụ thô sơ, hàng triệu mét khối đất đá và thay
nhau thi công suốt ngày đêm, nhưng hết mùa Xuân sang mùa Hè thì việc đào
kênh tiếp tục tạm hoãn vì hạn hán. Với lượng nhân công được huy động
lớn như thế, qua 3 tháng thi công, con kênh đào được khoảng 70 km. Công
việc chỉ huy dân binh đào kênh Vĩnh Tế giai đoạn 2 kết thúc.
Đợt
cuối được tiến hành vào tháng 2 năm Giáp Thân (1824), bề dài của kênh
còn lại chỉ khoảng 1.700 trượng từ cuối rạch Giang Thành trở vào tới nơi
đã đào xong. Việc đào kênh được tiến hành tích cực với sự hỗ trợ của
Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và quân, dân lên đến 25.000 người, đào bất
kể ngày đêm, đến ngày mùng 01 tháng 05 thì hoàn thành.

Bí thư Tỉnh ủy An
Giang Lê Hồng Quang và lãnh đạo tỉnh
thắp hương tại phần mộ Danh thần Thoại Ngọc Hầu
Có
thể thấy, việc đào kênh Châu Đốc - Hà Tiên là một thành quả rất to lớn
với số nhân công lên đến trên 80.000 người, thời gian đào kênh suốt 05
năm (từ tháng Chạp năm Mẹo (1819) đến tháng 05 năm Thân (1824)), chiều
dài 205 dặm rưỡi (tương đương 91 km), rộng 7 trượng 5 thước (tương đương
25 m), sâu 6 thước (tương đương 3 m). Lợi ích lớn nhất của kênh Châu
Đốc - Hà Tiên không chỉ ở việc lưu thông bằng ghe thuyền đi lại, trao
đổi buôn bán hay đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ cương thổ Quốc gia,
mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn nước ngọt từ sông Cửu Long vào các
khu đồng ruộng, xã phèn, rửa mặn cho mùa màng tươi tốt. Song song việc
đào kênh Vĩnh Tế, Ông cho lập ven bờ kênh 05 làng: Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế,
Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông.
Một
lần nữa bà Châu Thị Vĩnh Tế lại tích cực giúp phu quân trong việc đào
kênh Châu Đốc - Hà Tiên, bà đứng ra tập hợp thân nhân của những người
đang trực tiếp đào kênh, cùng nhau chăm lo việc ăn uống, thuốc men, chữa
trị cho người thân của họ những lúc bệnh tật, bị tai nạn khi đào kênh
hay bị thú dữ tấn công. Dưới sự chăm sóc chu đáo của Bà đã góp phần thúc
đẩy việc đào kênh được diễn ra nhanh chóng hơn. Những người trực tiếp
đào kênh luôn cảm thấy an tâm.
Khi
tin vui về đến Triều đình Huế, Vua Minh Mạng liền ban sắc khen thưởng
và ra sắc cho quan địa phương làm bia dựng ở bờ sông, đánh dấu công lao
của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại. Vua nhận thấy, bên kia bờ kênh mới đào có
núi Sam, có phần giống với núi Sập bên bờ kênh Thoại Hà trước kia và
xét thấy Thoại Ngọc Hầu phu nhân, là dòng họ Châu Vĩnh, nhũ danh Thị Tế,
người đàn bà đức độ, luôn tận lực phụ giúp chồng trên đường công bộc,
có nhiều đóng góp trong công tác hậu cần, có lúc bà thay chồng đôn đốc
việc đào kênh. Từ đó, Vua ban đặt tên kênh Châu Đốc - Hà Tiên là "Vĩnh Tế Hà" và tên núi Sam gần bờ kênh là "Vĩnh Tế Sơn", làng cạnh núi là "Vĩnh Tế Thôn".
Khi
nói về lợi ích của kênh Vĩnh Tế, sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Từ
đây đường sông thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng
mối lợi vô cùng". Việc hoàn thành kênh Vĩnh Tế được dân chúng xem là một
thành quả to lớn, có ảnh hưởng nhiều mặt đối với cư dân trong vùng. Dân
mừng vì có đường giao thông thuận lợi từ Châu Đốc đi Hà Tiên. Giới chức
biên phòng thời ấy cũng bớt gánh nặng nhờ có đường nước án ngữ ven
biên. Kênh Vĩnh Tế xưa và nay cũng thế, không chỉ là một đường lưu thông
thủy tiện lợi hay giữ gìn biên giới mà còn có tác dụng khác là đưa nước
ngọt của sông Cửu Long vào tháo chua rửa phèn cho ruộng đồng.
Danh
thần Thoại Ngọc Hầu lâm bệnh, tạ thế tại Châu Đốc ngày 6 tháng 6 năm Kỷ
Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi. Lăng mộ Ông nằm dưới chân núi Sam với vẻ
đẹp uy nghi, cổ kính; mặt hướng nhìn ra đường, lưng tựa vào vách núi,
ung dung, đường bệ trên thềm cao với gần chục bậc thang đứng, xây bằng
đá ong. Ông được Vua Minh Mạng truy phong chức Tráng Võ Tướng quân, Trụ
quốc Đô thống, thụy Võ Khác.
Với
tài kinh bang tế thế, phò tá 02 vua Gia Long và Minh Mạng, đảm nhận
nhiều trọng trách, được phong tước Ngọc Hầu, Ông để lại cho đời sau
nhiều công trình giá trị, công trạng hiển hách, những văn bia vô giá,
lưu danh sử sách. Hiện An Giang có nhiều ngôi đình thờ Ông, trong số đó
có hai ngôi đình lớn nhất là Đình Vĩnh Tế ở phường Núi Sam, thành phố
Châu Đốc, có sắc phong do Vua Khải Định ban ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tý
(1924) và Đình Thoại Sơn tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, có sắc
phong của Vua Bảo Đại ban ngày 15 tháng 8 âm lịch năm 1943; ngoài ra,
tại phường An Hải, Đà Nẵng, quê Ông cũng lập đền thờ. Các đền miếu thờ
Ông đều được người đời sau ngưỡng vọng, trùng tu khang trang và tế bái
trọng thể.
Tưởng
niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu, 200 năm hoàn thành kênh
đào Vĩnh Tế là dịp để chúng ta tìm hiểu, ôn lại và tri ân công lao,
những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước nói chung, với vùng đất
Nam Bộ, đặc biệt đối với vùng đất An Giang nói riêng. Với tấm lòng thành
kính, tri ân sâu sắc, kế thừa những di sản vô giá của danh thần Thoại
Ngọc Hầu và các thế hệ khẩn hoang mở cõi, bảo vệ quê hương. Đảng bộ,
Chính quyền và Nhân dân An Giang sẽ tiếp tục phát huy các giá trị lịch
sử, văn hóa, truyền thống yêu nước; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tranh
thủ thời cơ, vượt qua thách thức; nêu cao ý chí tự lực tự cường, quyết
tâm xây dựng quê hương An Giang xứng tầm khu vực và cả nước. Đó chính là
việc làm thiết thực nhằm tri ân bậc tiền nhân có công khai mở, vun bồi,
bảo vệ vùng đất An Giang - cương thổ Tổ quốc.
(*) TS Lê Hồng Quang
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy An Giang
_________________
[1] Còn có tên khác kênh Đông Xuyên, kênh Thoại Hà.
[2] Đại Nam nhất thống chí chép: "Làm hơn một tháng mới thành". Bia Thoại Sơn ghi "duyệt nguyệt thoan công".
[3] Theo
bản dịch của tác giả Nguyễn Văn Hầu (2020), Thoại Ngọc Hầu và những
cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nxb Khoa học Xã hội, tr.134.
[4] Theo
bản dịch của tác giả Nguyễn Văn Hầu (2020), Thoại Ngọc Hầu và những
cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nxb Khoa học Xã hội, tr.308.
[5] Đại Nam thực lục tập IV, Chính Biên đệ nhất kỷ III, NXB Sử học- Hà Nội, 1963, trang 308.
[6] Quốc triều chánh biên toát yếu, quyển 2, mục Đinh Sửu, tờ 52a.
[7] Đại Nam thực lục tập IV, Chính Biên đệ nhất kỷ III, NXB Sử học- Hà Nội, 1963, trang 390.