(TUAG)- Chắc hẳn trong lòng mỗi người chúng ta, có những vùng đất mà
tên gọi và lịch sử không chỉ là một cái tên, mà còn là một ký ức, là
một niềm tự hào, mà thời gian không thể làm mờ đi. Một trong những vùng
đất đó chính là Lê Trì (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) nơi từng chứng
kiến những trận chiến oai hùng, mưu trí, gan dạ để phá vỡ ấp chiến lược
của địch, đưa nhân dân trở về xóm làng, phum sóc.
Khi
nhắc đến Lê Trì, không ai có thể không nhớ đến chiến thắng Hoạch Lân -
một trận phục kích lịch sử năm 1964 đã trở thành biểu tượng cho tinh
thần chiến đấu kiên cường, khao khát giành thắng lợi của quân dân An
Giang. Trong nỗi đau, gian khổ và hi sinh, họ đã quyết tâm, đánh bại kẻ
thù để bảo vệ vùng đất này.

Dấu ấn chiến thắng Hoạch Lân
Giữa
những dãy núi cao, gió rít qua những đám cây rừng lúp xúp, vùng đất Lê
Trì nằm yên bình dưới chân núi Dài. Nhưng dưới sự yên ả đó, tại địa
phương nhỏ bé này đã diễn ra một trận chiến oanh liệt - chiến thắng
Hoạch Lân - biểu tượng cho tinh thần kiên cường và khao khát giành thắng
lợi của quân dân An Giang.
Địa hình của Lê Trì được bao quanh
bởi dãy Núi dài, Núi Cấm và Núi Tượng, tạo nên một cung vòng từ Đông đến
Nam và Tây Nam. Nơi đây có sự xen kẽ của các cánh đồng ruộng, các vườn
cây ăn trái và những cánh rừng rậm rạp, tạo điều kiện thuận lợi cho du
kích ta đi lại và phục kích quân địch. Nhìn lại quá khứ, chúng ta không
thể không nhớ đến những ngày tháng đen tối của ấp chiến lược Hoạch Lân.
Đó là một cõi ngục tù ác liệt, nơi bọn địch tạo ra những bức tường kẽm
gai đáng sợ để chia cắt người dân với nhà cửa, ruộng vườn.
Theo
Lịch sử Đảng bộ xã Lê Trì, thì trong những năm 60 của thế kỷ XX, xã Lê
Trì có khoảng 3000 đến 5000 dân định cư và sinh sống gồm người Kinh và
người Khmer. Nghề nghiệp chính là làm ruộng, làm rẫy, một số làm nghề
rừng đốn củi đốt than… Năm 1963, địch xây dựng ấp Chiến lược Hoạch Lân
nằm cập theo lộ đất, chiều dài khoảng 1.500m, chiều rộng khoảng 1000m,
xung quanh là hàng rào dây kẽm gai, ở hướng quan trọng có đắp bờ đất và
nhiều ụ chiến đấu để đề phòng quân ta tấn công. Quân địch bố trí trong
ấp chiến lược có một ban tề ấp ( từ 05 đến 7 tên). Hằng đêm huy động bọn
dân vệ từ 20 đến 30 tên canh gác bảo vệ, trang bị súng AK 15, Carbinc
và lựu đạn. Ban ngày thì chúng cho người dân đi làm ăn, ban đêm gom vào
trong ấp. những gia đình này đều được bọn tề xã, tề ấp phân loại để theo
dõi khống chế. Cuộc sống của nhân dân trong ấp chiến lược rất cực khổ
vì sự kìm kẹp quá gắt gao của bọn địch, ăn ở sinh hoạt chật chội, đi lại
khó khăn. Mặt khác địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền
xuyên tạc đường lối, chủ trương chính sách của cách mạng, gây chia rẻ
người Kinh với người Khmer. Do vậy, phía ta gặp nhiều khó khăn trong
công tác phát động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng, thu mua lương
thực và tác chiến đánh địch ở khu vực này.
Để đối phó với âm mưu
thủ đoạn của địch, quân ta đã chủ trương đánh phá kế hoạch bình định
nông thôn, phá các ấp chiến lược tạo điều kiện cho quần chúng đấu tranh
với địch đòi trở về ruộng vườn cũ làm ăn sinh sống, góp phần đánh bại kế
hoạch bình định gom dân kiểu mới của địch. Đầu tháng 9 năm 1964, Ban
Chỉ huy tỉnh đội giao cho Tiểu đoàn 364 và các đơn vị trực thuộc của
tỉnh nắm bắt tình hình địch ở khu vực Ba Chúc, Lê Trì tiến hành bao vây
các đồn bốt địch, phá các ấp chiến lược và đánh bọn địch lấn chiếm triệt
phá căn cứ của ta.
Tiểu đoàn 364 Bộ đội Biên phòng An Giang là
đơn vị mới được thành lập. Đồng chí Võ Khắc Sương và đồng chí Nguyễn Văn
Hơn là cán bộ của Tỉnh đội xuống trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn, với quân
số hơn 300 đồng chí, biên chế thành 3 đại đội. Mặc dù là Tiểu đoàn mới
được thành lập, nhưng các đại đội đã tham gia nhiều trận chiến đấu nên
trình độ, tổ chức chỉ huy của cán bộ có nhiều kinh nghiệm, chiến sĩ được
rèn luyện, thử thách nhiều trong chiến đấu cũng như trong công tác.
Sau
khi nắm chắc tình hình quân địch, đêm 16/9/1964 Tiểu đoàn quyết định
dùng một trung đội của đại đội bộ binh 1 và 2 tiểu đội du kích xã Lê
Trì, Ba Chúc bao vây các đồn ở chân núi Tượng. Đại đội bộ binh 2, 2
trung đội của đại đội bộ bình 1 và số đồng chí của Trường quân chính
phục kích đánh địch từu Lạc Quới vào cứu viện cho các đồn ở núi Tượng.
Trận
vây đồn phục kích đánh quân địch của Tiểu đoàn 364 tại khu vực Ba Chúc,
Lê Trì giành thắng lợi to lớn, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng
vũ trang địa phương về trình độ chiến thuật, chỉ huy và tác chiến hiệp
đồng. Chiến thắng tại ấp chiến lược Hoạch Lân năm 1964 của quân và dân
Lê Trì góp phần thay đổi cán cân quân sự trên địa bàn Bảy Núi nói riêng
và chiến trường An Giang nói chung, tạo điều kiện cho nhân dân trong
vùng đứng lên đấu tranh với địch, góp phần đánh bại kế hoạch bình định
gom dân kiểu mới của đế quốc Mỹ.
Chiến thắng Hoạch Lân thể hiện
sáng tạo, thông minh trong việc bố trí trận địa, tấn công địch từ phía
ngoài ấp chiến lược Hoạch Lân, làm cho quân địch mất phương hướng, bị
hốt hoảng. Trận chiến đấu ngoan cường, quyết liệt đã đánh tan rã đội
lính bảo an, đánh tiêu hao lực lượng địch và giành được thắng lợi to
lớn. Đó không chỉ là một chiến công đơn thuần trên trường chiến, mà còn
là bài học đáng tự hào về tinh thần và khát vọng giành tự do của quân
dân An Giang. Nhìn lại quá khứ, chiến thắng Hoạch Lân đã góp phần to
lớn vào việc đánh sập chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ
và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng tạo điều
kiện cho phong trào cách mạng tiếp tục dâng cao, vùng giải phóng mở
rộng…
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng tôi trở lại Lê Trì, đứng
trên vùng đất ấp chiến lược xưa, những thước phim lịch sử như hiện về,
một thời khói lửa, đạn bom, một thời anh dũng, kiên cường… Những con
người đã làm nên lịch sử. Vang dội trong tôi lời ca hào hùng: “Đường
qua Ba Chúc mênh mông lúa rờn xanh, xôn xao lá ngụy trang. Bờ đề in dấu
chân anh giải phóng quân hiên ngang lập chiến công trận đánh Hoạch
Lân. Dù cho mưa rét gian lao, chờ khi chúng kéo qua là anh ôm khẩu A Ka
bật lê xáp lá cà. Kèn vang anh thét xung phong, giặc rơi ngã dưới chân.
Anh hùng thay anh giải phóng quân, hoa nở chào đón anh. Viện binh do Mỹ
chỉ huy. Ngụy quân chẳng dám đi, dại chi vô chốn hiểm nguy, vùi thây
đất Lê Trì. Bà con trong xóm đón thăm, ngợi khen chiến công anh. Chị em
thân thiết nắm tay, ấm mãi trong lòng… trai” (Chiến thắng Hoạch Lân - Trình Minh).
Và Lê Trì hôm nay…
Chúng
tôi về xã Lê Trì vào một ngày giữa mùa thu tháng Tám. Con đường nhựa
nối liền từ trung tâm huyện vào xã được rải nhựa phẳng lỳ, hai bên đường
dân cư ở đông đúc. Nằm nép mình dưới chân núi Dài “hùng vĩ” nhất trong
dãy Thất Sơn, vùng chiến địa xưa nay đã đổi thay rất nhiều. Trong mầu
xanh của cây trái, những ngôi nhà đúc khang trang, kiên cố mọc lên ngày
càng nhiều, hệ thống điện lưới quốc gia vươn dài theo những triền đồi
đến tận các phum sóc, làng ấp xa xôi. Trên các con đường liên ấp, liên
sóc đang rộn rã tiếng máy cày, tiếng cười nói của người dân lên đồng lên
rẫy, tiếng vui đùa của trẻ thơ cắp sách đến trường trong những bộ áo
quần gọn gàng, sạch đẹp. Nhìn cảnh tượng ấy ít ai nghĩ trong suốt cuộc
kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây là nổi kinh hoàng của quân
địch, với sự dũng cảm, mưu trí của ‘du kích núi dài” đã làm nên những
chiến thắng vang dội như cầu sắt Vĩnh Thông, Hoạch Lân, Bến Bà Tri…

Hôm
nay vùng đất Lê Trì đang hướng tới tương lai. Công viên văn hóa gắn với
lịch sử chiến thắng Hoạch Lân và nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân
dân Lê Thị Sy đang được xây dựng, là nơi tôn vinh những chiến công và
ghi dấu những câu chuyện hùng tráng của quân và dân Lê Trì. Đó sẽ là
không gian thiêng liêng để chúng ta tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh,
đồng thời truyền cảm hứng và ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước
cho thế hệ mai sau.
Dưới chân núi Dài hôm nay, Đảng bộ và Nhân
dân Lê Trì đang cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa và lịch sử của
quê hương, để vùng đất này luôn mãi xinh đẹp và bình yên. Tuy thời gian
trôi đi, nhưng tinh thần bất khuất và tình yêu quê hương sẽ mãi mãi hiện
hữu trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Đứng ở khu vực trung tâm
xã, chỉ tay về phía con đường nhựa dẫn ra huyện, Bí thư Ðảng ủy, chủ
tịch UBND xã Nguyễn Hoàng Vĩnh không giấu được niềm vui cho biết: Tuy là
một xã đặc biệt khó khăn, nhưng các ngả đường từ xã về trung tâm huyện
đều được tráng nhựa phẳng lỳ, muốn đi đường nào cũng được, chẳng còn
phải chịu cảnh bụi mù, lầy lội như trước đây. Các đường đi lối lại trong
các phum sóc, các ấp của xã cũng được nhựa hóa, với hồ chứa nước Núi
Dài 2, rộng 22 ha cơ bản phần nào đảm bảo nước tưới tiêu cho xã. Hệ
thống điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ dân
sinh hiện cũng khá hoàn chỉnh. Lê Trì đang đẩy mạnh phát triển nhà vườn
cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái như Hợp tác xã xoài Bến Bà
Tri, tổ hợp tác cây ăn trái Ô Vàng gồm bơ, bưởi, sầu riêng… Điều kiện đó
đã tạo động lực cho Lê Trì phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây,
nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.
Vùng
đất Lê Trì, nơi đã chứng kiến những trận đánh quyết liệt và chiến thắng
lịch sử, ngày nay trở thành một biểu tượng về sự bất khuất và dũng cảm
của dân tộc. Các cộng đồng tại đây đã tích cực tham gia vào công cuộc
xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng một cộng đồng
đoàn kết và giàu mạnh.
“Ðiều đáng phấn khởi là đồng bào Kinh,
Khmer ở đây luôn sống đoàn kết và tương thân, tương ái hỗ trợ giúp đỡ
lẫn nhau cùng vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc ngay dưới
chân núi Dài “hùng vĩ”, bao đời nay vẫn đứng sừng sững ôm ấp, che chở
sự bình yên cho phum sóc, xóm làng” - Bí thư Nguyễn Hoàng Vĩnh vui mừng
nói tiếp.
Nhìn về mạch truyền lịch sử và những bài học quý giá
từ quá khứ, người dân Lê Trì hôm nay càng trân trọng và tận dụng mọi cơ
hội để phát triển quê hương.
Vĩ thanh
Chiến
thắng Hoạch Lân và vùng đất Lê Trì đã giáo dục cho chúng ta một điều
quan trọng: giá trị hòa bình. Nhìn về cuộc chiến trong quá khứ, chúng ta
nhận ra tầm quan trọng của hòa bình và sự đoàn kết giữa các dân tộc hôm
nay. Mỗi ngày, chúng ta cùng vun đắp, xây dựng một cuộc sống yên bình,
không bạo lực và gắn kết, để mọi người có cơ hội làm ăn, phát triển.
Chiến
thắng Hoạch Lân là những ký ức không thể nào quên trong lòng người dân
nơi đây. Nó giữ mãi một vị trí đặc biệt trong trái tim và tâm hồn của
họ, là nguồn cảm hứng để họ vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương
ngày càng yên bình, no ấm.
Vùng đất Lê Trì và chiến thắng Hoạch
Lân không chỉ là một trang sử hào hùng trong quá khứ, mà còn là nguồn
cảm hứng vô tận cho thế hệ mai sau. Những bài học quý giá về sự dũng
cảm, mưu trí và lòng yêu nước đã truyền cảm hứng và lan tỏa qua nhiều
thế hệ. Hình ảnh những người anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh
để bảo vệ quê hương, làng xóm là nguồn động viên, khích lệ cho các thế
hệ trẻ hôm nay tiếp tục vươn lên, kiên trì đối mặt với những thách thức
và khó khăn, xây dựng tương lai tươi mới cho vùng đất dưới chân núi Dài
yên bình này.
Trần Nhiên