(TUAG)- An Giang là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng đô thị Tây Nam với trên 3.500 km2
diện tích tự nhiên, đường biên giới dài, nhiều sông núi và nguồn tài
nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi,
cùng với hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy phát triển đồng bộ
đã tạo cho tỉnh nhiều tiềm năng và lợi thế kinh tế phong phú, đa dạng.

Trung tâm hành chính huyện Tịnh Biên (ảnh: Nguyễn Nhậm)
Tịnh Biên là 01 trong 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh An Giang,
có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 03 thị trấn: Tịnh
Biên, Nhà Bàng, Chi Lăng và 11 xã: An Phú, Thới Sơn, Núi Voi, Nhơn Hưng,
Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Cư, An Hảo, An Nông, Tân Lập và Tân Lợi.
Đây
là một vùng đất có bề dày lịch sử khai phá, Nhân dân giàu lòng yêu nước
và tinh thần đấu tranh cách mạng đã không ngừng đứng lên chống ngoại
xâm trong suốt quá trình hàng trăm năm mở đất và giữ đất.
Trước
các cuộc chiến tranh xâm lược, bất kể thời kỳ nào, Tịnh Biên luôn là một
địa bàn rất quan trọng của vùng biên cương Tây Nam đất nước, là nơi đối
đầu quyết liệt của quân, dân An Giang với các loại kẻ thù, từ phong
kiến Xiêm cho đến bọn diệt chủng Pôn-pốt, để bảo vệ vững chắc cửa ngõ
phía Tây của Đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, trù phú.
Ngày
6/11/1978, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân” cho lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tịnh Biên, tỉnh
An Giang vì đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu
và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân dân Tịnh Biên kiên cường chiến
đấu, người trước ngã xuống người sau tiến lên, nối tiếp nhau để giành
từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và
Nhân dân giao phó.
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30
năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trước bom đạn ác liệt của kẻ thù,
Đảng bộ và quân dân Tịnh Biên sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để
giữ vững vị trí đầu cầu chiến lược nối liền sự chi viện của Trung ương
về miền Tây Nam bộ. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
chống bọn phản động Khmer đỏ, một lần nữa, vùng đất này lại đứng trên
đầu sóng, ngọn gió giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những
chiến công, những hy sinh anh dũng trong công cuộc đấu tranh giữ gìn bờ
cõi ấy của huyện Tịnh Biên cũng đã ghi dấu góp nên trang sử hào hùng,
oai tráng trong trang sử 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).

Các chiến sĩ luôn chắc tay súng, giữ gìn an ninh biên giới (ảnh: Nguyễn Nhậm)
Kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông chống
giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng quê hương, trải qua hơn 92 năm từ
ngày Tịnh Biên có chi bộ Đảng đầu tiên (tháng 7-/930), đến nay Đảng bộ
huyện Tịnh Biên đã trưởng thành và lớn mạnh không ngừng. Trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng bộ và quân dân Tịnh Biên tiếp tục
vượt qua bao khó khăn, thách thức để đưa vùng đất đã bị chiến tranh tàn
phá nặng nề từng bước đi lên, xứng đáng là một trong những cửa ngõ quốc
tế phía Tây Nam của Tổ quốc. Trong đó có Đề án thành lập thị xã Tịnh
Biên thuộc tỉnh An Giang và thành lập các phường thuộc thị xã Tịnh Biên.

Tịnh Biên quan tâm phát triển kinh tế vùng biên giới (ảnh: Nguyễn Nhậm)
Với đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài gần 20 km, Tịnh
Biên có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, du
lịch thông qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và tuyến quốc lộ 91, quốc lộ
N1, đường tỉnh 948, 955A, 949… chạy ngang địa bàn. Đây là cầu nối giao
thương quan trọng nối huyện Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói
chung với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu
vực Đông Nam Á, tạo nên điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã
hội, hội nhập nhanh cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến
nay, Tịnh Biên đã bảo đảm các điều kiện và đạt đủ các tiêu chuẩn thành
lập thị xã theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày
25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành
chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7 (chuyên
đề) Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X tổ chức vào ngày 20/5/2022. Hội đồng
nhân dân tỉnh An Giang đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương
thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang và thành lập các phường
thuộc thị xã Tịnh Biên.
Với định hướng xây dựng Tịnh Biên là đô
thị trực thuộc tỉnh An Giang, là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính,
thương mại, du lịch, công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển vùng
phía Tây tỉnh An Giang. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân
huyện Tịnh Biên đã nỗ lực không ngừng, thay đổi bộ mặt huyện miền núi
ngày càng văn minh, phát triển, nâng cao đời sống người dân, đẩy mạnh
thực hiện nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực,
từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thay đổi bộ mặt
đô thị Tịnh Biên.

Tịnh Biên lấy nông nghiệp làm nền móng cho sự phát triển (ảnh: Nguyễn Nhậm)
Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày
14 tháng 8 năm 2015 của Huyện ủy Tịnh Biên và Đại hội Đại biểu Đảng bộ
huyện Tịnh Biên khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Quyết định số
2564/QĐ-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân huyện về ban
hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020, kết quả
thực hiện có 14/14 chỉ tiêu đạt, vượt Nghị quyết.

Bí
thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng đoàn công tác khảo sát thực tế,
sâu sát với các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh
COVID-19 (ảnh: Nguyễn Nhậm)
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tịnh Biên
khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh
hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự quyết tâm cao của Đảng
bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, cũng như sự quan tâm, chỉ đạo
của lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp, với tinh thần quyết liệt “chống
dịch như chống giặc”, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng,
chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội nên nền kinh tế của huyện
vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt
12,59%; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng, đời sống Nhân dân được
nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,07%. Hệ thống các công trình
hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: Hệ thống đường giao thông, điện
lưới quốc gia, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa,... được đầu tư xây
dựng khá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cải thiện, nâng cao đời
sống Nhân dân.

Thường trực Tỉnh ủy An Giang làm việc với Huyện ủy Tịnh Biên
Phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy Tịnh Biên ngày 12/04/2022 nhằm
đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021 và định hướng
nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cũng đã ghi
nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được của huyện Tịnh Biên
trong năm 2021. Đồng thời yêu cầu thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy
cần bám sát các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các chủ trương, kết
luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; chủ động, quyết
liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tận
dụng thời cơ, lợi thế, khai thác tốt các tiềm năng sẵn có, nhất là tập
trung khai thác thế mạnh kinh tế biên giới và du lịch, để tạo ra sức bật
mới trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề thực hiện đạt chỉ tiêu nghị
quyết của Đảng bộ huyện đã đề ra; chủ động làm tốt công tác phòng, chống
tham nhũng, lãng phí; triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Kế
hoạch số 33 của Tỉnh ủy An Giang về xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ
thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ,
đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu
hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên
thật sự tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…
Theo
đó, tiếp tục phát huy thế mạnh, điều chỉnh những thiếu sót, thực hiện
nghiêm túc các chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Năm 2022, hòa chung khí
thế kỷ niệm 190 thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), Đảng bộ, chính
quyền và Nhân dân huyện Tịnh Biên tiếp tục ra sức thi đua lập thành
tích, phấn đấu thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Nỗ
lực đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo thích ứng an toàn,
linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; triển khai các nhiệm vụ
giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia;
triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững; giữ
vững an ninh biên giới; tăng cường các giải pháp thực hiện Kế hoạch cải
cách hành chính; tiếp tục thực hiện theo lộ trình lập Đề án thành lập
thị Tịnh Biên và thành lập các phường thuộc thị xã Tịnh Biên v.v.
Trong
06 tháng đầu năm 2022, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Tịnh
Biên đã tập trung phấn đấu với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh
phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID -19, đạt được
nhiều kết quả tích cực.
Là người dân ở xã Nông thôn mới nâng cao
Thới Sơn (huyện Tịnh Biên), cô Nguyễn Thị Quang, người dân ấp Thới Thuận
chân tình nói: “Xã Thới Sơn bây giờ thì điện, đường, trường, trạm
đã khang trang hơn, chỗ y tế có bác sĩ chăm sóc, khám chữa bệnh cho Nhân
dân rất là yên tâm. Còn trường học thì cao lớn hơn, đẹp lắm chứ không
còn lụp xụp như ngày xưa nữa, cho nên Nhân dân xã Thới Sơn cũng rất là
tâm huyết cho con em tới trường ăn học đến nơi đến chốn. Địa phương cũng
không dừng lại đó, tiếp tục để vận động xóa nhà tre lá, tạm bợ, lo cuộc
sống cho Nhân dân được hoàn chỉnh, thậm chí tới gạo thóc cũng không bỏ
sót một ai, chăm lo cho bà con rất đầy đủ. Cho nên từ chỗ đó mà Nhân dân
xã Thới Sơn rất là đồng thuận, cùng địa phương thực hiện chính sách mở
rộng đường xá liên xã, liên huyện. Những chỗ ngõ ngách ngày xưa là đường
là dân sinh đi bộ thì bây giờ cũng được mở lớn khang trang, khi mà
người dân muốn chở vật tư nông nghiệp đến ruộng hay mua bán hàng hóa
không phải gánh vác như ngày xưa. Bản thân là người dân của xã Thới Sơn,
tôi rất là vui mừng phấn khởi vì Đảng bộ cùng bà con ở xã đã làm được
những điều này cho quê hương ngày thêm đổi mới, giàu đẹp”.
Phát
biểu tại Kỳ họp lần thứ 7 HĐND huyện Tịnh Biên khóa XII, nhiệm kỳ
2021-2026, đồng chí Phan Văn Cường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tịnh
Biên nhấn mạnh: “Mặc dù gặp khó khăn nhiều mặt, nhưng với sự quyết
tâm tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn huyện đã thực hiện
đạt nhiều kết quả khả quan. Nổi bật là sự phối hợp nhịp nhàng của các
ngành, các cấp với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ
các chỉ tiêu năm 2022 hoàn thành sớm nhất”.
“Thực hiện
14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, kết quả 06 tháng đầu năm có 04
chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết gồm: Số trường đạt chuẩn quốc gia, số
bác sĩ trên mười ngàn dân, xây dựng nông thôn mới, tuyển quân. Các chỉ
tiêu còn lại có 03 chỉ tiêu đạt 80% (chuyển đổi cây trồng, bảo hiểm y
tế, phát triển thủy kế); 07 chỉ tiêu đang tiếp tục thực hiện lộ trình
đến cuối năm 2022” - đồng chí Phan Văn Cường - Bí thư Huyện ủy Tịnh Biên cho biết.

Huyện Tịnh Biên từng bước phát triển kinh tế - xã hội, tiến lên thị xã (ảnh: Nguyễn Nhậm)
Là người dân ở xã nông thôn mới An Phú, cô Nguyễn Thị Giác phấn khởi cho biết: “Trên
loa, đài của xã hàng ngày luôn phát thanh kêu gọi người dân cùng chung
tay xây dựng nông thôn mới, rồi thông tin huyện Tịnh Biên sẽ tiến lên
thành thị xã trong tương lai, tôi rất là mừng và phấn khởi. Người dân
chúng tôi lo làm ăn, cũng không biết gì rành, chỉ biết là mình tuân thủ
theo chủ trương của Đảng, không làm việc trái với pháp luật, ủng hộ các
chương trình, phòng trào của địa phương, vậy là đã góp một phần cùng với
huyện mình tiến lên thành thị xã. Huyện tiến lên thị xã, sau này mua
bán, giao thương sẽ còn phát triển thêm rất nhiều, bà con ai cũng cảm
thấy vui và ủng hộ”.
Tổng hợp sức mạnh từ sự đồng thuận của
toàn Đảng, toàn dân, huyện Tịnh Biên từng bước tiến tới nâng huyện lên
thị xã. Thị xã Tịnh Biên được thành lập có ý nghĩa quan trọng về mặt
chính trị, thể hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời
sống Nhân dân, tạo sự cân đối về phát triển đô thị giữa các khu vực,
vùng miền trong cả nước, thể hiện quyết tâm xây dựng thị xã Tịnh Biên
giàu mạnh, văn minh, hiện đại như Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh An
Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết đại hội Đảng bộ
huyện Tịnh Biên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đồng thời
thành lập thị xã Tịnh Biên sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch
chung xây dựng đô thị Tịnh Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
cũng như thu hút các dự án đầu tư để mở rộng quy mô và nâng cao chất
lượng đô thị và hiệu quả quản lý đô thị, đồng thời để định hướng đầu tư
và phát triển đảm bảo tính bền vững, phù hợp với định hướng quy hoạch
tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 và quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang đến năm 2025.
Nguyễn Hảo