(TUAG)- Lịch sử Đảng bộ An Giang ghi nhận trong những ngày
tháng 4 lịch sử năm 1975, cùng với cả nước, quân và dân trong tỉnh đã
đứng lên đập tan Ngụy quân, Ngụy quyền, đánh đuổi quân xâm lược đế quốc
Mỹ, giải phóng quê hương, giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Trong đó, huyện cù lao Chợ Mới, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở
An Giang vào tháng 4/1930, là nơi cuối cùng của tỉnh nói riêng, miền Nam
nói chung, được giải phóng sau ngày 30/4/1975.
Sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chợ
Mới có sự chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một trong những địa
phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và
vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyến phà đưa từ thành phố Long Xuyên qua huyện Chợ Mới
Sự trùng hợp tình cờ của lịch sử
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi lên chuyến phà 150 tấn, từ bờ Long
Xuyên vượt sông Hậu tìm về huyện Chợ Mới, nơi được xem là cái nôi cách
mạng của tỉnh An Giang, được Chủ tịch nước hai lần phong tặng danh hiệu
Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2000) và Anh hùng Lực lượng
vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước (năm
2014).
Tuyến đường tỉnh 944 nối từ bến phà An Hòa về trung tâm huyện Chợ Mới
giờ đã được mở rộng, thảm bê tông nhựa thẳng tắp. Hai bên đường là những
cánh đồng xanh mát, đủ loại rau màu và cây ăn quả tươi tốt. Những ngôi
nhà cao tầng đua nhau mọc lên san sát; xa xa là những cửa hàng gỗ nội
thất, xưởng mộc ngày đêm vang tiếng máy khoan, máy đục.

Ông Hồ Minh Quang (sinh năm 1938), nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chợ Mới giai đoạn 1975-1987 trao đổi với phóng viên
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, giản dị, giữa thị trấn Chợ Mới, ông
Hồ Minh Quang (sinh năm 1938), nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chợ
Mới giai đoạn 1975-1987, một thương binh hạng 1/4 với hai bàn tay gần
như không còn nguyên vẹn, vẫn còn nhớ như in khí thế hào hùng, cảm xúc
thiêng liêng, niềm vui bất tận của quân và dân ta trong ngày toàn thắng
cách đây 50 năm, khi ông được Cách mạng phân công cùng với tổ chức về
tiếp quản huyện Chợ Mới.
Ông Năm Quang (tên thân mật của ông Hồ Minh Quang) kể, sau khi Hiệp định
Paris được ký kết năm 1973, hòa cùng khí thế chung của cả nước, nhân
dân Chợ Mới tiếp tục đấu tranh giành hòa bình, dân chủ và yêu cầu thi
hành hiệp định. Tháng 8/1974, để tạo điều kiện chuyển từ yếu sang mạnh,
tạo sự gắn bó chiến trường giữa Đông và Tây sông Tiền, theo chỉ đạo của
Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Kiến Phong được giải thể và thành lập 2
tỉnh mới là tỉnh Sa Đéc và tỉnh Long Châu Tiền (tỉnh An Giang ngày nay).

Di tích lịch sử cách mạng cột Dây Thép[1]
Tại huyện Chợ Mới, sau khi Ngụy quyền tuyên bố đầu hàng vô điều kiện,
lực lượng quân sự đủ sắc lính tập trung về Tây An Cổ Tự (thuộc xã Long
Giang, huyện Chợ Mới ngày nay) cùng khoảng 5.000 bảo an quân để tử thủ.
Lực lượng này lần lượt chiếm các cơ sở của Ngụy quyền trong tỉnh Long
Châu Tiền. Vì thế, muốn kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở
An Giang, phải nhanh chóng đánh bại lực lượng “tàn quân” ở huyện Chợ
Mới.
Trước tình hình phức tạp đó, bộ đội địa phương chia được làm 2 cánh quân
tiến về giải phóng huyện Chợ Mới. Đặc biệt, sau khi Cần Thơ được giải
phóng, một đại đội của Trung đoàn 101 từ Cần Thơ tiến lên hỗ trợ Long
Xuyên đánh tan các tuyến phòng ngự của quân bảo an, buộc chúng phải rút
chạy về huyện Chợ Mới và tử thủ tại Tây An Cổ Tự. Đến chiều 2/5/1975,
nhiều địa phương trong tỉnh An Giang đã được giải phóng.
Tại Chợ Mới, quân ta tiếp quản quận lỵ, đồng thời một tiểu đoàn được
giao nhiệm vụ bao vây Tây An Cổ Tự. Chiều 3/5, lực lượng Quân khu 8 chi
viện lần lượt đánh chiếm tuyến Long Điền - Bà Vệ, kêu gọi “lực lượng bảo
an quân” đầu hàng. Sau 4 ngày liên tục bao vây tấn công bằng 3 mũi quân
sự, chính trị, binh vận, ngày 5/5 phần đông Ngụy quân và bảo an quân co
cụm lại ở các xã Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông. Để tạo áp lực mạnh hơn, ta cho 2
máy bay L19 lên quần đảo trên trời. Hàng ngũ địch rối loạn, hoang mang,
hơn 3.000 bảo an quân còn lại kéo cờ trắng ra hàng. Đúng 8 giờ ngày
6/5/1975, ta chiếm được Tây An Cổ Tự, huyện Chợ Mới hoàn toàn giải
phóng.

Một góc thị trấn Chợ Mới, huyện Chơ Mới (tỉnh An Giang) hôm nay.
Theo ông Năm Quang, Chợ Mới được xem là cái nôi cách mạng của tỉnh An
Giang. Lịch sử như đã giao cho huyện giữ vai trò quyết định trong tiến
trình phát triển của dân tộc, khi đây vừa là nơi thành lập Chi bộ
Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang và cũng là nơi được giải phóng
cuối cùng của tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung.
“Sự trùng hợp tình cờ của lịch sử, và lòng tin sắt son của nhân dân vào
sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là tiền đề, động lực đưa cách mạng Việt
Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác; giúp Chợ Mới trở thành
một “địa chỉ đỏ” đặc biệt trong kho tàng lịch sử đấu tranh cách mạng của
Việt Nam”- ông Nam Quang nhấn mạnh.
Đi đầu trong phát triển nông nghiệp
Sau khi đất nước thống nhất, kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông
nghiệp, sản xuất lúa 1 vụ, lực lượng lao động dư thừa, nhiều người dân
chưa có việc làm ổn định. Hệ thống cầu, đường xuống cấp, kênh rạch bị
bồi lắng, việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân gặp khó khăn. Cả huyện
chỉ có 2 trường trung học phổ thông, một số xã không có trạm y tế. Năm
1978 và nhiều năm tiếp theo, lũ lụt đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng,
làm tiêu hao sức người, sức của nhân dân. Việc ăn, ở, học hành, đi lại
và vui chơi giải trí của nhân dân thiếu thốn, khó khăn.
Trong hoàn cảnh đó, 50 năm qua, Đảng bộ, quân và dân huyện Chợ Mới đã nỗ
lực rất lớn để đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển, trở thành địa
phương đi đầu của cả tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với
thị trường tiêu thụ.
Theo ông Năm Quang, từ năm 1980, huyện Chợ Mới đã xác định nông nghiệp
là nền tảng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó đã có nhiều đột
phá về chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập và giá trị
trên cùng diện tích đất canh tác. Với kinh nghiệm làm bao đê chống lũ
năm 1978, Huyện ủy Chợ Mới đã ra nghị quyết xây dựng bờ bao kiểm soát lũ
81 tiểu vùng, gắn với nhựa hóa giao thông nông thôn liên xã 154km, công
trình huy động từ xã hội hóa trong nhân dân thực hiện từ năm 1995-2000
hoàn thành trên toàn huyện. Đây là hai công trình mang nhiều ý nghĩa,
tạo thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, vận chuyển và giao thương hàng
hóa, đưa Chợ Mới trở thành vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái lớn
nhất của tỉnh An Giang.

Sau 50 năm, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Chợ Mới được đầu tư khang trang, hiện đại.
Hai công trình “ý Đảng, lòng dân” này được nhân dân đồng tình, ủng
hộ, đóng góp trên 140 tỷ đồng. Từ đó, đời sống của nhân dân Chợ Mới từng
bước “thay da, đổi thịt”, bà con chuyển từ sản xuất lúa 2 vụ, chạy lũ
hằng năm lên sản xuất lúa 3 vụ, đảm bảo ăn chắc, rau màu sản xuất quanh
năm với hơn 26.000 ha, ông Năm Quang chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng cho biết, hiện, thu nhập bình
quân đầu người theo tiêu chí nông thôn mới trên toàn huyện đạt 77,63
triệu đồng/năm. Sản xuất lúa đạt 6,43 tấn/ha. Giá trị sản xuất bình quân
cây lúa đạt 123,49 triệu đồng/ha; cây rau màu đạt 464,21 triệu đồng/ha;
cây ăn trái đạt 193,44 triệu đồng/ha.
Chợ Mới là điển hình đi đầu của tỉnh An Giang trong vùng chuyên canh
màu, cây ăn trái, xuất khẩu xoài vào các thị trường Australia, Hàn Quốc
và Hoa Kỳ... với tổng diện tích gần 7.000ha, trong đó có 704ha đạt tiêu
chuẩn VietGAP. Toàn huyện có 13 làng nghề truyền thống, 5 cụm công
nghiệp được quy hoạch và đang mời gọi đầu tư. Mạng lưới y tế cơ sở được
củng cố, phát triển. 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn
nông thôn mới nâng cao; 3 đô thị đạt loại IV và V). Huyện nông thôn mới
đạt 8/9 tiêu chí, 33/36 chỉ tiêu…
Tự hào là địa phương hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, Bí thư
Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thị Minh Kiều tin tưởng, tập thể cán bộ, đảng
viên, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện sẽ phát huy truyền thống quý
báu, vẻ vang của Đảng, địa phương sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết
thống nhất, vượt qua mọi khó khăn thách thức, kế thừa và phát huy giá
trị to lớn của quê hương, không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành chỉ
tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ
2020 - 2025, xây dựng Chợ Mới ngày càng giàu đẹp, văn minh, tạo tiền đề
cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình
của dân tộc.
Công Mạo
____________
[1] Đầu tháng 4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc được thành lập ở Long Điền (Chợ Mới). Chi bộ cử Lê Văn Đỏ, một quần chúng trung kiên đã treo lá cờ của Đảng Cộng sản trên Cột Dây Thép.