(TUAG)- Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, “chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc”, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập của người dân, đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, những năm qua, huyện Thoại Sơn đã có những bước đi và lộ trình thực hiện cụ thể, với những cách làm hiệu quả, giúp cho chương trình xây dựng NTM của huyện phát triển mạnh mẽ, trở thành huyện đi đầu của tỉnh An Giang về xây dựng NTM.
Từ năm 2010, Thoại Sơn chuyển sang một giai đoạn mới, đó là thực hiện công tác an sinh xã hội và xây dựng NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Tiếp thu, quán triệt chủ trương, chính sách của cấp trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thoại Sơn luôn phát huy trí tuệ tập thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đồng chí cấp ủy viên từ huyện đến cơ sở, trong đó, đặc biệt chú ý đến vai trò của người đứng đầu; thận trọng, không nóng vội, mà tiến hành chọn xã điểm chỉ đạo để rút kinh nghiệm. Đồng thời, tập trung chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM lâu dài; vận dụng linh hoạt và sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự của địa phương; chú trọng việc xây dựng NTM gắn với việc khai thác triệt để thế mạnh của địa phương.

Trình diễn máy sạ lúa - Nông dân được tận máy nhìn thấy máy hoạt động, được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cách điều chỉnh máy, lượng giống gieo sạ
Sau 09 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện Thoại Sơn đã thật sự thay đổi và phát triển toàn diện: Tốc độ tăng trưởng của huyện bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 8,07%/năm, tổng giá trị sản xuất (GO) theo giá thực tế năm 2018 của huyện đạt 19.616 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 7.679 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng, giá trị sản xuất đạt trên 4.831 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ rất ổn định và phát triển; thu ngân sách Nhà nước năm 2018 đạt trên 103% chỉ tiêu tỉnh An Giang giao, tương đương 608 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 47 triệu đồng/người/năm, tăng trên 30 triệu đồng (gấp 3 lần) so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của huyện chỉ còn 1,98%, giảm 2.819 hộ nghèo (tương đương 4,62%) so với năm 2011.

Mô hình nuôi cá tra tại xã Vĩnh Chánh
Với những thành tựu đã đạt được, huyện Thoại Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, về đích đầu tiên trong tỉnh. Năm 2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng xác lập Thoại Sơn là huyện đầu tiên trong cả nước đạt ba danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và huyện NTM. Điều đó thể hiện vai trò chỉ đạo đúng hướng, các bước đi trong xây dựng NTM của huyện là phù hợp, hướng tới phục vụ, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, tạo được niềm tin và ủng hộ mạnh mẽ từ Nhân dân.

Huyện Thoại Sơn đón Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2018
Ông Trần Hữu Huệ người dân thị trấn Núi Sập cho biết: “Huyện Thoại Sơn trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, đó là sự đoàn kết chung sức từ Nhà nước và Nhân dân, để bây giờ huyện tôi rất phát triển những con đường rộng rải, ngôi trường khang trang…, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều, mọi người cũng vui vẻ vì được sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, rất tự hào với những tựu của quê hương”.
Sau năm 2018, huyện tiếp tục triển khai nâng chất giữ vững những thành quả đạt được và tiến hành thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai Chương trình hành động số 05-CTr/HU ngày 07/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thoại Sơn về thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, và UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 20/01/2021 về việc thực hiện lộ trình các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu và các tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Từ những chủ trương, chính sách trên, không chỉ nhiệt tình, tích cực đóng góp ngày công lao động, của cải vật chất, người dân đóng góp ý kiến vào quá trình thực hiện các chính sách, kế hoạch của địa phương. Được thể hiện rõ nét nhất qua các công trình xây dựng cầu, đường nông thôn, xây nhà đại đoàn kết, các công trình phục vụ nông nghiệp….trong đó, có sự giám sát, kiểm tra của người dân. Điều này tạo sự thống nhất, gắn bó giữa chính quyền địa phương với nhân dân góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Qua hơn 3 năm, huyện Thoại Sơn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của huyện không ngừng được đầu tư và mở rộng; kinh tế - xã hội có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn có sự thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Riêng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được mùa, được giá nên có mức tăng trưởng khá cao, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế. Ước tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt 10.642 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 5,46% so năm 2018. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 5.855 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 15,53% so năm 2018.
Là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, năm 2020 có 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Vĩnh Trạch, Thoại Giang, Định Thành, Định Mỹ, Bình Thành, Vọng Đông, An Bình và Vĩnh Phú) và năm 2021 có 06 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Tây Phú, Vọng Thê, Vĩnh Khánh, Mỹ Phú Đông, Vĩnh Chánh và Phú Thuận). Năm 2023 xã Định Thành và Vĩnh Trạch đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Có được kết quả đó Huyện ủy, HĐND, UBND đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động và phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện nhiều mô hình hay như “Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp”, “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”, mô hình tiêu biểu gắn với “Dân vận khéo” về xây dựng cầu, đường, nhà, làm kinh tế… góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, tập hợp quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Cùng với đó, đã triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 14 xã với 116 mô hình với tổng kinh phí 31 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 7,5 tỷ đồng, phát triển 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, các sản phẩm chủ lực này được các cơ sở, hộ kinh doanh đưa bán trên các kênh thương mại điện tử góp phần mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Từ đó, hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2023 còn lại là 501/42.938 hộ, chiếm tỷ lệ 1,17% so với năm 2010 giảm 5,43% và giảm 1,93 % so thời điểm được công nhận huyện NTM năm 2018.
Là chủ trang trại nuôi bò thịt tuần hoàn, theo chu trình khép kín đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình và tạo thêm việc làm cho 2 lao động ở địa phương. Ông Diệp An Hòa - ấp Hòa Tân xã Định Thành chia sẻ: “Với tổng số vốn đầu tư 573 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 200 triệu đồng, tôi đầu tư diện tích trang trại 1,5 ha, trong đó 1 ha tôi trồng cỏ và 0,5 ha diện tích chuồng trại và hệ thống làm mát giúp bò phát triển tốt hơn. Nhờ ứng dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, nguồn phân thải ra trong quá trình chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã trở thành nguồn phân bón cho ruộng cỏ và bán lại cho các hộ trồng cây trong xã”.
Từ những thành tựu quan trọng đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây không chỉ là thành quả của sự nỗ lực từ phía chính quyền và Nhân dân mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Huyện Thoại Sơn đón Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023
Sáng 9/9, UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ Kỷ niệm 45 năm ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23/8/1979 - 23/8/2024) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Thoại Sơn vinh dự trở thành 1 trong 3 huyện đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam là huyện vận động xã hội hóa được nhiều nguồn quỹ nhất để phục vụ công tác an sinh xã hội (với 31 nguồn quỹ thiện nguyện).
Phát biểu tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ghi nhận, biểu dương những thành tựu mà huyện Thoại Sơn đạt được trong 45 năm tái lập và phát triển. Đồng chí đề nghị: Các cấp uỷ, chính quyền tiếp tục quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể trong tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; hướng đến xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới. Tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với việc phát triển các đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người dân ở nông thôn. Quan tâm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn theo hướng sạch, xanh và bền vững gắn với phát triển du lịch (du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm..), chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn…
(Còn tiếp) Kỳ cuối: Điểm sáng về chăm lo đời sống Nhân dân
Kim Cương