(TUAG)- Tỉnh An Giang hiện có mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) bằng y học cổ truyền triển khai ở tất cả các Bệnh viện, Trung tâm Y tế và các Trạm y tế. Các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có nhân viên phụ trách công tác y học cổ truyền; 156/156 trạm y tế xã có y, bác sĩ y học cổ truyền phụ trách công tác KCB.

Hỗ trợ, hướng dẫn điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân sau đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh An Giang
Phát triển chuyên môn
BS.CKII Đoàn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết: Tỷ lệ KCB bằng y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại so với tỷ lệ KCB chung hàng năm đều đạt trên 30% (đạt chỉ tiêu kế hoạch). Sở Y tế có cán bộ chuyên trách quản lý công tác y, dược cổ truyền; 3/11 Phòng y tế cấp huyện có công chức bán chuyên trách công tác y, dược cổ truyền.
UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với Hội Đông y tỉnh, lực lượng cán bộ, viên chức phụ trách công tác quản lý nhà nước về y dược cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng nhu cầu công việc. Trong quá trình hoạt động, Hội Đông y phối hợp Sở Y tế và đội kiểm tra liên ngành các địa phương tổ chức các đợt thanh tra xử lý các hoạt động hành nghề Đông y tư nhân chưa đúng pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội, các cơ sở hành nghề y dược cổ truyền phát triển và hoạt động đúng quy định. Khuyến khích các thầy thuốc đông y cống hiến, sưu tầm, phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm trong phòng và chữa bệnh có hiệu quả; khuyến khích việc nghiên cứu kế thừa, ứng dụng và nghiên cứu kết hợp đông y với tây y trong công tác khám, điều trị bệnh hài hoà, hiệu quả; khuyến khích KCB, sản xuất, sử dụng thuốc y dược cổ truyền.
Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm đầu tư, xây dựng, đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh An Giang. Bệnh viện được xây dựng khang trang, hiện đại quy mô 100 giường bệnh, trên diện tích gần 34.000m2; với trên 90 bác sĩ, nhân viên y tế; 13 khoa, phòng chức năng. BS.CKII Tôn Phước Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh An Giang cho biết: "Dù chỉ hoạt động trong khoảng 7 tháng gần đây, nhưng đến nay, bệnh viện đón tiếp lượng bệnh nhân đạt 70% công suất được trang bị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, gia tăng sự hài lòng của bệnh nhân”.

Hỗ trợ, hướng dẫn điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân sau đột quỵ
Qua khảo sát tại bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền -Bộ Y tế đánh giá cao An Giang là tỉnh đầu tiên, duy nhất đã xây dựng đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh An Giang khi sơ kết 5 năm theo Quyết định 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh An Giang và Sở Y tế đã quan tâm đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới, tổ chức bộ máy, nhân lực, đào tạo nhân lực y dược cổ truyền phục hồi chức năng và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sự phát triển chuyên môn cao của bệnh viện góp phần vào sự phát triển chung lĩnh vực y dược cổ truyền - phục hồi chức năng cả nước.
ThS.BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Đến nay, công tác KCB bằng đông y và kết hợp đông y với y học hiện đại trong KCB phục vụ sức khỏe Nhân dân đạt nhiều kết quả, đáp ứng nhu cầu KCB bằng y học cổ truyền và mang lại hiệu quả cao. Trung tâm Đông y châm cứu An Giang trực thuộc Hội Đông y tỉnh là điểm tin cậy của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và người bệnh về điều trị tỵ uyên, chứng tý, di chứng tai biến mạch máu não, chứng hậu COVID-19 và chứng cao mỡ máu, giãn mạch chi dưới, rối loạn kinh nguyệt... Phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc - kết hợp đông - tây y chẩn đoán chiếm 85 - 90% tổng số lần KCB. Từ năm 2020 đến nay, hàng năm, trung tâm KCB từ 15.000 - 16.000 lượt, tăng bình quân 4,41%/năm.
Nhiều nghiên cứu khoa học hiệu quả
Sở Khoa học và Công nghệ An Giang cho biết: Đã có 15 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ sản xuất chế phẩm từ cây dược liệu và 4 đề tài khảo sát, sàng lọc, bảo tồn dược liệu gắn với khu du lịch. Trong đó, 6 đề tài nghiên cứu sản xuất chế phẩm từ cây dược liệu đã nghiệm thu. Các sản phẩm: Ngải đen, cà gai leo, ngải bún, ngải trắng và cao mỡ máu đáp ứng nhu cầu chế phẩm chữa bệnh và hỗ trợ điều trị chất lượng cao. An Giang vẫn còn nhiều cây dược liệu đặc hữu, giá trị cao được nhiều nhà khoa học y dược quan tâm, có khả năng tham gia lớn vào chuỗi giá trị dược liệu quốc gia.

Tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Chiến lược phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ”.
Tỉnh đã thực hiện ươm tạo 6 hộ gia đình thành cơ sở sản xuất trồng và sơ chế sản phẩm được cấp giấy phép kinh doanh như: Nhang Hoa Sứ; Thiên Ân; Thảo An; Út Hùng; Út Đạt và Thuận Phong. Hỗ trợ 15.000 tem mã code cho Cơ sở nhang Hoa Sứ. Đồng thời, xây dựng 2 Tổ Hợp tác bảo vệ rừng và trồng cây thuốc tại xã An Phú (TX. Tịnh Biên) và thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) để chủ động và sẵn sàng hợp tác cùng các doanh nghiệp đến xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu ổn định. Xây dựng 6 logo, nhãn hiệu các sản phẩm phát triển từ các kết quả đào tạo, tập huấn chuyển giao trong lĩnh vực dược liệu, như: Bột huyền, trà xạ đen, trà túi lọc Kim ngân hoa, trà của Thoại Sơn, mật ong rừng tràm…
Hội Đông y tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị Thừa kế tâm đắc chữa bệnh, có 350 lượt người tham gia, 94 lượt người cống hiến 170 phương thuốc hay, bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh nội khoa đông y. Tỉnh Hội chọn cử 6 bài thuốc tâm đắc được Trung ương Hội giới thiệu và tặng Bằng khen tại 2 lần Hội thảo Gan Mật toàn quốc; giới thiệu tâm đắc của 7 thầy thuốc hội viên, được đăng kỷ yếu những bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh.
Theo ThS.BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, đã giới thiệu 3 bài thuốc kinh nghiệm gia truyền “chữa cao mỡ máu của lương y Trần Quang Trung”, “chữa thoái hóa sống lưng của lương y Nguyễn Thiện Chung” và bài thuốc “chữa Viêm Xoang của bà Hồ Kim Phượng”. UBND tỉnh đã phê duyệt là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại hóa bài thuốc kinh nghiệm gia truyền của tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại hóa bài thuốc Cao mỡ máu đạt kết quả giảm lippid máu và bảo vệ gan rất tốt, được đề nghị chuyển tiếp giai đoạn nghiên cứu.


Châm cứu, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu cho bệnh nhân
Sở Y tế cho biết: Tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở KCB, đào tạo nhân lực, sản xuất thuốc đông y theo quy định, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập. Mạng lưới cơ sở KCB ngày càng đầu tư và phát triển. Qua đó, góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phát triển nền Đông y trong tình hình mới.
Hiện nay, trong xu hướng kết hợp y học cổ truyền - y học hiện đại, các bác sĩ có thể phối hợp sử dụng thuốc và các biện pháp không dùng thuốc (như dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp...) để nâng cao hiệu quả trong chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi sức khỏe cũng như khi điều trị các bệnh lý. Các kỹ thuật y học cổ truyền được ứng dụng đa dạng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý như: Các bệnh mạn tính, các bệnh lý cơ xương khớp (thoái hóa khớp, viêm khớp, hội chứng vai gáy, đau thần kinh tọa, yếu liệt…).
Toàn tỉnh có 56 bác sĩ y học cổ truyền, 373 y sĩ y học cổ truyền; 165 Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền và phòng Chẩn trị y học cổ truyền; 153 Khoa, Tổ Y học cổ truyền. Tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực KCB về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các đơn vị. Phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
HẠNH CHÂU