(TUAG)- Hiện nay tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ đang tăng nhanh và diễn biến hết
sức phức tạp. Đặc biệt là trong thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều ca mắc và ổ
dịch trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa
tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ.
Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa (hè - thu).
Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt
đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng
đồng. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt
qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.

Để tăng cường thực hiện các biện pháp
phòng, chống nhằm ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ lây lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh,
ngày 19/9/2023, Sở
Y tế An Giang ban hành văn bản số 2355/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống và điều
trị bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh. Theo đó đề nghị:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, phát
hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh. Ban
hành hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ
tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Đặc biệt quan tâm
đối với các cơ sở giáo dục tư nhân. Thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình
hình dịch bệnh đau mắt đỏ để kịp thời có các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn tuyến
dưới, linh động trong công tác truyền thông để phù hợp với tình hình thực tế.
Tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt
đỏ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh: Chủ động triển khai các
hoạt động tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại nơi làm việc, khu công
nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế
lây lan trong cộng đồng.
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ
đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau
mắt đỏ trong nhà trường; các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh
trường học; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp
phòng bệnh đau mắt đỏ. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ
bằng nhiều hình thức cho các đối tượng: Giáo viên, nhân viên nhà trường; học
sinh và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp “Hạn chế để học sinh bị bệnh đau mắt đỏ; Học
sinh không đến trường khi bị bệnh đau mắt đỏ”.
Khi phát hiện học sinh có các triệu
chứng như: sốt nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch
trước tai hoặc dưới hàm, đỏ/ngứa/rỉ dịch một hoặc cả hai mắt, cảm giác nổi
cộm/có sạn ở trong mắt, mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ... cần
hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn,
điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để
tránh biến chứng nặng. Bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan,
đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết.
Trong trường hợp phát hiện ca bệnh
đau mắt đỏ trong lớp học: cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông
thường để vệ sinh lớp học, vệ sinh sàn nhà, sát trùng các đồ đùng, đồ chơi, tay
nắm cửa, bàn ghế của học sinh; Đồng thời thông báo thông tin ca bệnh cho Trung
tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn để phối hợp xử lý.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo An Giang: Tăng cường tuyên
truyền trên phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng để người dân được
biết, hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ, góp
phần ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc
điều trị đau mắt đỏ để tránh gây nên biến chứng nặng vì không được điều trị
đúng cách, kịp thời. Khuyến cáo người dân khi phát hiện triệu chứng đau mắt đỏ,
cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Truyền
thông về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y
tế.
Sở Y tế An Giang đề nghị các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập và
tư nhân: Tổ chức tốt công tác khám, điều
trị, tư vấn các trường hợp đau mắt đỏ khi đến cơ sở khám chữa bệnh theo đúng
hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi khám và phát hiện các trường hợp bệnh đau mắt đỏ,
cho chỉ định nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây lan trong trường học, cơ quan,
xí nghiệp,… báo cáo tổng hợp các ca bệnh về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh,
Trung tâm Y tế theo địa chỉ cư trú để được theo dõi, giám sát.
Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc,
sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động điều trị bệnh đau
mắt đỏ; không để thiếu thuốc trong điều trị. Tăng cường công tác kiểm soát
nhiễm khuẩn bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo trong đơn vị. Tăng cường thực hiện
truyền thông về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trung tâm
Y tế huyện, thị xã, thành phố: Đối
với Hệ điều trị, các Trung tâm Y tế huyện thực hiện công tác phòng, chống bệnh
đau mắt đỏ như các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh.
Đối với Hệ dự phòng: Tham mưu Ủy ban nhân dân
địa phương phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, Đài phát thanh từ huyện đến
xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Tăng cường công tác giám sát, phát
hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Phối hợp
với các ban, ngành tại địa phương để hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng,
chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh đau
mắt đỏ trên địa bàn để kịp thời có các biện pháp phòng chống và truyền thông
phù hợp. Tiếp nhận thông tin các ca bệnh trên địa bàn, tổng hợp và báo cáo Sở Y
tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo quy định.
Phòng Y tế/Văn phòng UBND huyện,
thị xã, thành phố: Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành
phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát,
phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Thường
xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của Sở Y tế về phòng, chống
dịch bệnh nói chung và bệnh đau mắt đỏ nói riêng đối với các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ hoặc
thực hiện không nghiêm túc.
H.T