
Ê kíp can thiệp mạch vành Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đang thực hiện kỹ thuật
Đó là bệnh nhân Nguyễn Văn Bé, 74 tuổi,
ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang được người nhà đưa đến
Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An
Giang trong tình trạng đau ngực, tăng lên khi gắng sức, mệt, rất khó thở. Sau
khi thực hiện các cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, cần
chụp động mạch vành cấp cứu. Sau khi kiểm tra, phát hiện bệnh nhân bị hẹp hơn 95%
trên 3 nhánh động mạch vành vôi hóa nặng, lan tỏa từ đoạn gần đến đoạn xa… rất
khó thực hiện đặt stent động mạch vành theo phương pháp thông thường, mà cần
phải khoan mãng xơ vữa bị vôi hóa.
Ê kíp phải hỗ trợ nhịp
tim bệnh nhân ổn định để thực hiện can thiệp động mạch vành. Dưới sự hỗ trợ về
chuyên môn của GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP. Hồ
Chí Minh, ê kíp can thiệp mạch vành Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã thực hiện kỹ
thuật khoan mãng vôi hóa bằng mũi khoan kim cương, đặt stent thành công sau 3
giờ.
Hiện, bệnh nhân tiếp
xúc tốt, nhịp tim đều, dấu hiệu sinh tồn ổn định, hết đau ngực.
Tiếp đó, ê kíp cũng
thực hiện can thiệp 4 trường hợp bị bệnh mạch vành 3 nhánh (CTO) mạn tính thành
công.

GS.TS.BS Võ Thành Nhân hướng dẫn kỹ thuật khoan cho ê kíp can thiệp.
GS.TS.BS Võ Thành Nhân cho biết: “Đây là
kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện lần đầu tiên tại An Giang. Một số bệnh nhân
có nhiều bệnh nội khoa kết hợp như trường hợp trên sẽ bị vôi hóa nặng, rất khó
đặt stent, vì thủ thuật viên không thể đưa dụng cụ qua được sang thương để tái
thông lòng mạch. Việc ứng dụng kỹ thuật Rotablator trong can thiệp tim
mạch làm tăng khả năng can thiệp cho các tổn thương vôi hóa nặng mà kỹ thuật
can thiệp thông thường không thành công; giúp tiết kiệm nhiều thời gian, cũng
như chi phí điều trị thay vì phải chuyển lên tuyến trên” .
H.C