Đến nay, thế giới đã có tới hơn 70 triệu
người bị nhiễm HIV và trên 35 triệu người đã chết do AIDS. Có lẽ trong
lịch sử loài người, HIV/AIDS là một trong những đại dịch có sức lây lan
nhanh và tàn phá khốc liệt nhất. HIV/AIDS không chỉ ảnh hưởng đến sức
khỏe mà là tương lai, nòi giống và sự tồn vong của mỗi dân tộc. Tại Việt
Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12/1990, sau đó HIV/AIDS
đã phát triển khá nhanh và có mặt ở tất cả các khu vực. Qua 40 năm đấu
tranh với dịch HIV/AIDS, dù ngày nay thế giới đã có rất nhiều tiến bộ
trong việc dự phòng, điều trị, chăm sóc hỗ trợ cho người có nhu cầu,
nhưng việc ngăn chặn tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS trên toàn cầu vẫn phải
cần nhiều nỗ lực vì hàng năm có hàng triệu người tiếp tục bị nhiễm HIV.

Giai đoạn 2011-2015, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên
hiệp quốc (UNAIDS) đã chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống
AIDS toàn cầu là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới
HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối
xử liên quan đến HIV/AIDS”. Để chủ đề chung này đạt hiệu quả thiết
thực, tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia vào tháng 7/2014, Liên Hợp
Quốc đã đưa ra ba mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020 để kết thúc đại dịch
AIDS vào năm 2030. Cụ thể là: có 90% số người nhiễm HIV biết được tình
trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã được chẩn đoán nhiễm HIV được
điều trị HIV và 90% số người được điều trị HIV kiểm soát được lượng
virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho
người khác. Người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình để
không phải vô tình gây bệnh cho người thân và cộng đồng, đồng thời có
thể tiếp cận được các dịch vụ y tế dành cho mình.
Năm 2020 là năm
thứ 6 liên tiếp Việt Nam thực hiện mục tiêu 90-90-90 và đã đạt những kết
quả khích lệ như đã giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm, giảm số người
chuyển sang AIDS, giảm tử vong do HIV/AIDS, cụ thể số lượng nhiễm mới
hàng năm giảm 2/3 (xuống còn 10.000 trường hợp) và số lượng tử vọng hàng
năm giảm 80% (còn 2000 trường hợp).
Ngày 14 tháng 8 năm 2020 Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến
lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược này đã
nêu rõ “HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến
sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Việt Nam,
tính đến tháng 6/2020 có khoảng 250.000 người hiện nhiễm HIV, có trên
100.000 người nhiễm HIV đã tử vong, 100% tỉnh, thành phố và 98% số quận,
huyện đã phát hiện người nhiễm HIV”.
Qua gần 30 năm thực hiện
công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh An Giang đã cùng cả nước đạt được
nhiều thành quả, thực hiện đạt các chỉ tiêu quan trọng về giảm số mắc
mới, giảm số tử vong do HIV/AIDS và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử
liên quan đến HIV/AIDS trong nhiều năm liên tục. Có được thành quả này
là do có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sau khi có Chỉ thị
54-CT/TW, công tác phòng, chống HIV/AIDS có nhiều chuyển biến quan trọng
trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp uỷ, chính quyền, cán
bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống
HIV/AIDS; chính quyền các cấp đã thể hiện rõ vai trò trách nhiệm và nỗ
lực trong chỉ đạo thực hiện; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục
về phòng, chống HIV/AIDS có nhiều đổi mới hiệu quả về nội dung, hình
thức, phương pháp... góp phần tạo nhận thức đúng đắn về đại dịch
HIV/AIDS trong cộng đồng; đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS
được nâng cao về trách nhiệm xã hội và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; sự
đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, của cộng đồng cũng như sự hỗ trợ của các
tổ chức trên thế giới đã tạo được thành quả tích cực hôm nay.
Dù
kết quả chúng ta đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian
qua là đáng khích lệ, nhưng việc thực hiện những nhiệm vụ chăm sóc sức
khỏe cộng đồng trong lĩnh vực phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung
và HIV/AIDS nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác
nhau.
Một trong những khó khăn trong các hoạt động về
phòng, chống HIV/AIDS là làm sao thực hiện được nội dung chống kỳ thị và
phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đây là một trong những
giải pháp vô cùng quan trọng để phòng, chống HIV/AIDS, tuy đạt được một
số kết quả về nhận thức nhưng vẫn còn phải tiếp tục vận động mọi người
thực hiện, ngay cả chính những người nhiễm HIV. Vấn đề kỳ thị, xa lánh
đối với người bị nhiễm HIV đang rất nặng nề, hầu hết những người dân mặc
dù có hiểu biết về HIV/AIDS nhưng vẫn còn e ngại khi tiếp xúc với một
người bị nhiễm HIV, từ đó việc chia sẻ, hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm sẽ
gặp trở ngại. Chính vì thế, những người bị nhiễm HIV thường giấu bệnh,
không dám công khai, không tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không
cởi mở để chia sẻ, vô tình trở thành “quần thể ẩn”, rất khó cho điều
trị và phòng lây nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ hóa trong nhóm mới
nhiễm cũng như việc phát hiện ngày càng có nhiều người nhiễm trong nhóm
quan hệ tình dục nam đồng giới (MSM) ở những năm gần đây là những thách
thức cho nhiệm vụ phòng, chống dịch HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay.
An
Giang phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 01/1993, đến nay tất
cả các xã, phường trong tỉnh đều ghi nhận có người nhiễm, là tỉnh có số
lượng người nhiễm được phát hiện cao, nhưng việc thực hiện công tác
phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan, cụ
thể: số trường hợp nhiễm HIV qua đường tiêm chích năm 2020 giảm 25% so
năm 2015, số trường hợp nhiễm HIV mới qua quan hệ tình dục năm 2020 giảm
20% so với năm 2015, số trường hợp phát hiện mới hàng năm ở năm 2020
giảm 32% so năm 2015, số trường hợp tử vong do AIDS năm 2020 giảm 65% so
với năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện công tác phòng, chống
dịch HIV/AIDS luôn đối mặt những khó khăn, những diễn biến mới phát sinh
như sự gia tăng tỷ lệ nhiễm bệnh trong nhóm quan hệ tình dục nam đồng
giới; sự trẻ hóa độ tuổi lây nhiễm…
Thành quả chúng ta đạt được
hôm nay là một quá trình gắng sức của toàn xã hội, vì vậy muốn đạt được
mục tiêu cùng cả nước chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 chúng ta cần nỗ
lực hơn nữa để duy trì, phát huy thành quả trước những diễn biến mới
trong bối cảnh nhiều bệnh dịch nguy hiểm mới nổi đang đe dọa sức khỏe
cộng đồng hiện nay, tiếp tục thực hiện thật tốt mục tiêu 90-90-90 mà ở
đó, sự duy trì và phát huy tính ưu việt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các
cấp, các ngành, các địa phương sẽ mang tính quyết định nhằm chung tay
thực hiện mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.
BS PHẠM THANH TÂM
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang