(TUAG)- Việt Nam
vừa trải qua chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước. Trong những ngày tháng Tư sôi nổi, cả nước đều hướng về Thành phố Hồ
Chí Minh, đâu đâu cũng thấy toát lên vẻ đẹp hình ảnh của những đoàn diễu binh
đi trong lòng Nhân dân: Vẻ đẹp của hòa bình. Tiếp nối không khí tự hào của
tháng 4, tháng 5 có một sự kiện đáng nhớ nữa diễn ra: Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch
Hồ Chí Minh - người lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam - người đặt nét bút đầu
tiên vẽ nên bức tranh hòa bình cho cả dân tộc và cũng chính Người là biểu tượng
của nền hòa bình cao đẹp đó.

Năm 1911, khi vừa
21 tuổi, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành với 2 bàn tay trắng một mình bước
chân lên con tàu Latouche Tréville với một khát vọng mãnh liệt - anh đi tìm hòa
bình cho đất nước: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác.
Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp mặc dù khi đó nhận thức
chính trị chưa đầy đủ nhưng khi được hỏi lý do vì sao lại gia nhập Đảng Xã hội
Pháp, câu trả lời của anh là: “Vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước
tôi”. Tháng 6 năm 1919, thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc
gửi tới Hội nghị Versailles Bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam. Bản Yêu
sách không được Hội nghị quan tâm xem xét, nhưng đã gây ra tiếng vang lớn, tác
động mạnh mẽ đến người Việt Nam trong và ngoài nước, lần đầu tiên có một người
Việt Nam dũng cảm với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dám đưa vấn đề chính trị của Việt
Nam ra quốc tế, “đòi” cho Nhân dân Việt Nam những quyền lợi cơ bản chính đáng,
thiết thực. Đây là dấu hiệu đầu tiên của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam
trên con đường đi tới hòa bình, độc lập dân tộc.
Đến sáng mùng 2
tháng 9, trên quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt
Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.
Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và
của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Thời khắc thiêng liêng ấy
đánh dấu sự kiện trọng đại của Nhân dân Việt Nam chuyển mình từ thân phận của
người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ chính cuộc đời mình trên
một đất nước hoàn toàn tự do, độc lập.
Khi Nhân dân Việt
Nam vừa mới vừa cảm nhận được nền hòa bình độc lập thì cũng là lúc đất nước rơi
vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài. Chính phủ lâm thời dưới
sự dẫn dắt của Hồ Chí Minh vừa phải lo giải quyết những vấn nạn của chủ nghĩa
thực dân, phát xít để lại: Nạn đói, nạn dốt vừa phải chống lại sự xâm lược của
các thế lực bên ngoài lấy danh nghĩa quân đồng minh để gây rối, phá hoại nền
hòa bình của Việt Nam. Kế thừa và phát huy tư tưởng của ông cha trong lịch sử về
độc lập dân tộc phải gắn liền với hòa bình, Hồ Chí Minh và Chính phủ thực hiện
đường lối đối ngoại hòa với Tưởng ở miền Bắc, đáp ứng những đòi hỏi phi lý của
Tưởng để kéo dài thời gian đối phó với Pháp. Dù nhận thấy dã tâm xâm lược của
thực dân Pháp nhưng Hồ Chí Minh vẫn cố gắng giải quyết vấn đề trên cơ sở hiệp
thương hòa bình. Ngày 6/3/1946, ta ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ. Hiệp định Sơ bộ
ký chưa ráo mực, thực dân Pháp đã có những hành động vi phạm: Đòi quân đội ta nộp
vũ khí, đánh úp quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, di chuyển quân xâm phạm vùng
quản lý của Chính phủ ta. Hồ Chí Minh sang Pháp với tư cách thượng khách của
Chính phủ Pháp, Người mong muốn tìm cách giải quyết bằng con đường hòa bình
thay cho chiến tranh ở Việt Nam. Hội nghị Fontainebleau thất bại, Hồ Chí Minh
nhận thấy nguy cơ chiến tranh sẽ bùng nổ với quy mô và cường độ quyết liệt hơn.
Để cứu vãn tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet đã ký kết
bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946. Tạm ước ngày 14/9 đã làm cho nhân dân
Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ thiện chí hòa bình của Chính phủ Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa. Tạm ước 14/9 chứa đựng những nhân nhượng cao nhất về kinh tế,
thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể dành cho Pháp.

Nhưng thực dân
Pháp đã đánh giá sai ý chí và sức mạnh Việt Nam, chúng tuyên bố “sẽ dùng vũ lực
để đặt lại quyền bính trên đất Việt Nam”. Chúng ngang nhiên vi phạm Hiệp định
Sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9. Ngày 07/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời kêu gọi
đến Quốc hội và Chính phủ Pháp tố cáo, lên án những hành động khiêu khích và
tàn sát đẫm máu của thực dân Pháp, vãn hồi một nền hòa bình để xây đắp sự cộng
tác Phát - Việt. Đồng thời Hồ Chí Minh đã gửi Lời kêu gọi đến các nước thành
viên của Liên hợp quốc, đề nghị Hội đồng Bảo an và các nước này góp phần “vãn hồi
hòa bình trong một phần thế giới này, để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn
trọng và để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là thừa nhận độc lập
dân tộc và thống nhất lãnh thổ”. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng
Cộng sản Việt Nam, Nhân dân ta đã làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa
cầu buộc Pháp ký hiệp định Giơnève năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, lập lại
hòa bình ở Đông Dương.
Sau Hiệp định
Giơnève, Nhân dân Việt Nam chưa kịp cảm nhận được nền độc lập, hòa bình vừa mới
giành được từ tay thực dân Pháp thì đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam thực
hiện âm mưu chia cắt đất nước. Vĩ tuyến 17 chia đôi bờ Nam - Bắc Việt Nam trong
suốt 21 năm. Trong những năm tháng đau thương, tăm tối nhất, hình ảnh Hồ Chí
Minh là ngọn đuốc soi sáng con đường đấu tranh của quân dân miền Nam. Người là
biểu tượng của sức mạnh, niềm tin tất thắng, nguồn động lực to lớn nâng đỡ Nhân
dân miền Nam vượt qua đau thương, đứng lên đấu tranh giành độc lập, thống nhất
đất nước. “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể
mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
ngày 30/4/1975 là thành quả của biết bao xương máu, hi sinh của lớp lớp thanh
niên Việt Nam ra đi khi tuổi đời rực rỡ nhất.
Lịch sử không phải
là quá khứ để có thể lãng quên. Lịch sử là hiện tại và tương lai, là niềm tin,
khát vọng của dân tộc. Chúng ta vô cùng tự hào vì mỗi bước đi của cách mạng Việt
Nam đều gắn liền với công lao - sự nghiệp, tư tưởng - đạo đức của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại đã làm rạng rỡ dân tộc ta, đất nước ta,
đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta vững vàng tiến bước hướng tới tương lai
tươi đẹp.
Tháng 5 nhớ Bác!
Nguyễn Xuân Mỹ
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng