Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng Đảng

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Xây dựng Đảng
Thứ 7, Ngày 19/10/2024, 10:00
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
19/10/2024 | Tuyết Ngọc

(TUAG)- Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Phát huy hiệu quả sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng trong các nhân tố quan trọng đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác, khẳng định được vai trò vị thế trên trường quốc tế ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng.

dai_doan_ket_toan_dan_toc-2.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm với Nhân dân xóm Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng ngày 10/6/2024. Ảnh: ĐCSVN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người chỉ rõ, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; tăng cường đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ cơ bản, nhất quán, lâu dài, sống còn của cách mạng. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ dừng lại trong nhận thức, mà phải được cụ thể hóa trong mọi bước đi, tình huống của cách mạng. Người nhấn mạnh “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng từ các Đại hội trước về vị trí, vai trò và nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, “… sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương phù hợp. Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc”.

Hiện nay, bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; đan xen cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, đối với sự nghiệp đổi mới nói chung, chiến lược xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng. Mặc khác, lợi dụng quá trình mở cửa, hội nhập, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, tạo ra mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, làm mất ổn định chính trị - xã hội.

dai_doan_ket_toan_dan_toc-1.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian qua, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, mọi người Việt Nam nhận thức sâu sắc lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn triển khai Luật Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở năm 2022; các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng những mặt còn hạn chế, yếu kém của các cấp chính quyền và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phải là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để nhân dân tin tưởng, chủ động phản ánh, góp ý kiến, tham gia bàn bạc những vấn đề quan trọng của đất nước; chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết triệt để những vấn đề xã hội bức xúc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên cơ sở tin nhân dân và tôn trọng nhân dân. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước.

Thứ ba, phát huy vai trò của nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “... vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”; “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ” để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghị quyết số 43- NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” khẳng định Đảng ta ngày càng nhận sức sâu sắc và toàn diện hơn về vai trò của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại đoàn kết toàn dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là sức mạnh nội sinh quan trọng để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ XHCN để khơi dậy ý chí, tiềm năng, sức mạnh của nhân dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước là điều kiện cơ bản nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

T.N

Lượt người xem:  Views:   365
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (cick)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by