(TUAG)- Nhằm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh từ cơ sở, đảm
bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy tốt
trách nhiệm của người dân trong việc tham gia ý kiến xây dựng hệ thống
chính trị, xây dựng hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến
đời sống nhân dân, góp phần tạo sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ và Nhân
dân, tạo lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ngày 09/12/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Thoại Sơn ban hành Kế hoạch tổ
chức Diễn đàn “Lắng nghe dân nói” hằng năm, giai đoạn 2020 - 2025.

Theo
Kế hoạch, mỗi năm, huyện Thoại Sơn sẽ tổ chức 17 buổi tọa đàm (bình
quân mỗi tháng tổ chức từ 01 - 02 buổi), tại 17 xã, thị trấn trên địa
bàn huyện. Hình thức tổ chức là tọa đàm là trao đổi ý kiến giữa các tầng
lớp nhân dân với lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các ban
ngành, đoàn thể của huyện; các xã, thị trấn. Tọa đàm theo từng vấn đề,
chủ đề và câu hỏi của Nhân dân, gắn việc tuyên truyền phổ biến pháp luật
với giải thích và trả lời cho Nhân dân; tọa đàm trên cơ sở dân chủ,
thắng thắn, cởi mở, ưu tiên thời gian để Nhân dân phát biểu ý kiến, và
ngược lại chủ trì có thể hỏi lại Nhân dân. Trong buổi tọa đàm, các câu
hỏi đi vào trọng tâm, đúng chủ đề, nội dung. Các câu hỏi ngoài nội dung,
chủ trì có thể trả lời hoặc không trả lời tùy thuộc vào nội dung câu
hỏi.
Nội
dung các buổi tọa đàm chủ yếu là: Thông tin tinh hình kinh tế - xã hội,
an ninh - quốc phòng, những chủ trương, chính sách mới; nhiệm vụ công
tác Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ban
ngành, đoàn thể huyện thông tin nhanh các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành
để đoàn viên, hội viên và Nhân dân biết, tham gia thực hiện.
Nhân
dân tham gia tọa đàm phát biểu, đóng góp với cấp ủy, chính quyền về
việc tổ chức triển khai và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước,
các nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước trên các
lĩnh vực kinh tế, đầu tư xây dựng cơ bản, văn hóa, xã hội, quốc phòng,
an ninh, trật tự... trên địa bàn huyện. Việc thực hiện cải cách hành
chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, công
tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác,
công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Nghe ý
kiến Nhân dân phản ánh về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và trách
nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức,
nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quá trình thực thi
nhiệm vụ, những vấn đề mà Nhân dân đề nghị cần tập trung chỉ đạo, tổ
chức đực hiện.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của huyện căn
cứ nội dung, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để trả lời trực tiếp hoặc
phân công cán bộ có liên quan trả lời và chỉ đạo, giải quyết những vướng
mắc, bức xúc, kiến nghị của Nhân dân trong quá trình tọa đàm, những vấn
đề chưa thể trả lời được phải giải quyết sau khi kết thúc buổi tọa đàm
theo thời gian quy định chậm nhất không quá 30 ngày, những nội dung vượt
thẩm quyền xem xét, giải quyết, những nội dung phức tạp liên quan đến
nhiều ngành phải có thời gian nghiên cứu, xem xét, giải quyết nhằm đảm
bảo chính xác, khách quan, đúng quy trình, trình tự pháp luật thì phải
thông báo cho người có ý kiến, kiến nghị biết về thời gian và trách
nhiệm của cơ quan giải quyết.
Kế hoạch tổ chức Diễn đàn “Lắng
nghe dân nói” của huyện Thoại Sơn nêu rõ: Việc tiếp xúc, gặp gỡ với Nhân
dân phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, gắn với việc
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của
Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh”. Công tác tiếp xúc phải được thông tin rộng rãi, tạo
điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân đến tham dự đầy đủ và duy
trì thường xuyên ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Nội dung thông tin
tuyên truyền cần chuẩn bị chu đáo ngắn gọn, xúc tích, đúng trọng tâm
những vấn đề Nhân dân quan tâm, cán bộ tham dự diễn đàn phải nắm chắc
tình hình và có trách nhiệm nghiên cứu, trao đổi, tham mưu xử lý từng
vấn đề để buổi tiếp xúc đạt hiệu quả cao.
Những yêu cầu này thể
hiện sự cầu thị, muốn gần dân, sát dân, có nguyện vọng nghe dân nói trên
tinh thần “tích cực, cầu thị, chân thành, lắng nghe, hiệu quả, không
hình thức” của cấp ủy huyện Thoại Sơn.
Thật vậy, chỉ khi được
nghe dân nói thẳng, nói thật, những “hạt sạn” mới được tìm thấy từ thực
tiễn. Khi đã tìm thấy những hạt sạn thì ấp ủy và chính quyền các cấp
phải nhặt đem bỏ đi thì mới mang lại hiệu quả trong việc xây dựng và
phát triển địa phương. Nếu không thường xuyên lắng nghe dân, đội ngũ cán
bộ lãnh đạo khó nắm bắt và giải quyết kịp thời những bất cập, điểm
nghẽn trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, những bức xúc nổi
cộm trong đời sống Nhân dân, Như vậy càng gây bức xúc trong nhân dân, dễ
tạo thành những điểm nóng về an ninh chính trị.
Mô hình tổ chức
diễn đàn lắng nghe dân nói như của huyện Thoại Sơn, nếu địa phương nào
trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện và phối hợp tốt công tác dân vận khéo,
biết tương tác hai chiều giữa Ðảng, chính quyền với Nhân dân thì dù hoàn
cảnh có nhiều khó khăn như thế nào chắn chắn vẫn tạo ra sự chuyển biến
và thành quả rõ nét.
“Lắng nghe dân nói, tôn trọng dân, luôn là bổn phận, trách nhiệm mà bộ máy công quyền phải làm vì Nhân dân"./.
HẢI LAM