(TUAG)- Sáng
ngày 11/01/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc
tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự
và chủ trì Hội nghị có các đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường
trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trần Cẩm Tú -
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại điểm cầu An
Giang, đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng
chí Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng
chí Võ Minh Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì Hội
nghị.

Toàn cảnh Hội
nghị tại điểm cầu An Giang
Báo cáo tại Hội
nghị, đồng chí Trần Văn Rón - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực
UBKT Trung ương cho biết, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2021 tiếp tục
được đẩy mạnh, thực hiện toàn diện, có nhiều chuyển biến mới, đạt nhiều kết quả
rất quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên, góp phần
tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đấu
tranh phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ; củng cố niềm tin Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước
Cấp ủy các cấp
đã kiểm tra 51.620 tổ chức đảng và 272.512 đảng viên, có 55.666 đảng viên là cấp
ủy viên các cấp. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng, 16.794 đảng
viên, có 2.896 đảng viên là cấp ủy viên các cấp (tăng 19,3% tổ chức, 13,1% đảng
viên so năm 2020).
Ủy ban Kiểm tra
các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức đảng và 8.982
đảng viên, trong đó có 4.307 cấp ủy viên các cấp (chiếm 48%); đã thi hành kỷ luật
3.463 đảng viên (tăng 7,3% đảng viên so với năm 2020), có 1.306 đảng viên là cấp
ủy viên các cấp. Ngoài ra, UBKT các cấp còn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm
tra, giám sát đối với 28.925 tổ chức đảng (tăng 11,8% tổ chức so với năm 2020);
kiểm tra tài chính đảng đối với 3.004 tổ chức đảng về thu, chi ngân sách, sản
xuất kinh doanh (tăng 23,7% so với năm 2020) và kiểm tra 31.427 tổ chức về thu,
nộp, quản lý và sử dụng đảng phí (tăng 10,7% so với năm 2020).
Công tác giám
sát tổ chức đảng và đảng viên được thực hiện thường xuyên và giám sát theo
chuyên đề, qua đó đã góp phần cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham
nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng
viên, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác giải quyết tố cáo tổ chức
đảng, đảng viên và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng kịp thời, dứt điểm.
Tại Hội nghị, nhiều tham luận
của các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc làm rõ thêm những kết quả đạt
được của các địa phương, đơn vị cũng như những mặt còn hạn chế, bất cập; đồng
thời chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của
địa phương, đơn vị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị,
đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt
Bộ Chính trị, Ban Bí thư ghi nhận, biểu dương những thành tựu nổi bật mà ngành
Kiểm tra Đảng đã đạt được trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới,
đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu tiếp tục nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí,
vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;
cán bộ, đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, “không có vùng cấm,
không có ngoại lệ”; mỗi đảng viên đều phải “khép mình” vào kỷ luật, kỷ cương của
Đảng.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên
cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ
thị, kết luận, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật. Xây dựng
chương trình, kế hoạch kiểm tra khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa
phương, đơn vị.
Tăng cường công tác tuyên
truyền, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng và xã hội,
trước hết là trong cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về công
tác kiểm tra Đảng nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn,
đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì, quyết tâm ngăn chặn, đẩy
lùi, xử lý nghiêm những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên với phương châm
“Giám sát phải mở rộng để phát hiện, nhắc nhở, phòng ngừa xảy ra vi phạm từ sớm,
từ xa, không để khuyết điểm, vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, kéo dài”. Xử
lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng và
người đứng đầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức
Đảng và Ủy ban Kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý:
Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra phải bám sát yêu cầu nhiệm
vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ. Thực hiện đồng bộ việc
kiểm tra và giám sát, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Tập
trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên chấp hành quy định về những điều đảng
viên không được làm.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh:
Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là những người đứng
đầu, cán bộ chủ chốt khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, những nơi mất đoàn kết
nội bộ, vi phạm nguyên tắc, Điều lệ của Đảng… Nghiên cứu, lựa chọn lĩnh vực điển
hình để tập trung thực hiện việc kiểm tra, giám sát.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện
các quy định của Đảng, Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới;
nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ,
đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển
của đất nước. Phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan kiểm tra và các cơ quan thanh
tra, điều tra, truy tố, xét xử trong công tác điều tra, xét xử. Phát huy vai
trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, truyền thông báo chí
và Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát…
Đi cùng với đó là nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ công tác kiểm tra. Cán bộ thực hiện công tác kiểm tra,
giám sát phải có bản lĩnh bảo vệ cái đúng, đấu tranh chính trực và bản thân phải
“liêm, sạch”, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép,
sự cám dỗ mua chuộc; thực sự công tâm, khách quan… Đồng thời, coi trọng công
tác kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra.
Nguyễn Lam