Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xã hội

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Xã hội
Thứ 2, Ngày 29/04/2024, 08:25
An Giang nỗ lực bảo vệ rừng mùa khô
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
29/04/2024 | Ngọc Hân

(TUAG)- Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nên các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh An Giang luôn ở nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước thực trạng này, cấp ủy các cấp và ngành chức năng trong tỉnh đã, đang tập trung, nỗ lực thực hiện nhiều phương án nhằm bảo vệ "màu xanh" của rừng.

 Muakho-2024-nang-1.jpg

Đất rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn tỉnh An Giang phân bố chủ yếu trên địa bàn của các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc, với diện tích gần 13.300 ha. Trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng là hơn 1.800 ha (đất có rừng gần 1.270 ha); rừng và đất rừng phòng hộ là hơn 11.000 ha (đất có rừng là hơn 9.300 ha).

Thời điểm này, bước vào mùa hè với nhiệt độ cao hơn nhiều năm qua, cộng với địa hình đồi núi dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước thiếu nghiêm trọng, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng. Thêm vào đó, đây là thời điểm lượng khách tham quan, du lịch, hành hương trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhất là các điểm tham quan, du lịch đồi núi có tán rừng làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Luôn chủ động trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng

Trước diễn biến tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); hướng dẫn người dân, khách hành hương, tham quan du lịch việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng theo đúng quy định. Ban cán sự đảng Ủy ban ban nhân dân tỉnh (UBND) tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các phương án PCCCR; tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực trọng điểm cháy; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đọan cao điểm mùa khô.

Thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các tổ chức, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR. Nghiêm cấm các hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Tang-cuong-PCCC-rung-1.jpg

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC rừng mùa khô

Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Công văn chỉ đạo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đã chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên định hướng các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo vệ, PCCCR. Đưa nội dung tuyên truyền PCCCR vào chỉ đạo trong Hội nghị định hướng tuyên truyền quý II/2024 tổ chức vào sáng ngày 05/4; định hướng tuyên truyền trong các báo cáo tình hình dư luận xã hội và công tác tuyên truyền báo chí hằng tháng; thông tin nhanh tình hình báo chí và tình hình dư luận xã hội hằng tuần; thông tin tuần gửi đến tận cơ sở để tuyên truyền cho người dân.

Hướng đến kỳ nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4, 01/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang cũng đã ban hành Công văn số 1208-CV/TU, ngày 25/4/2024 về việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị; an ninh, trật tự an toàn xã hội dịp Lễ 30/4-01/5, trong đó có nội dung nhắc nhở thực hiện nghiêm túc Công văn số 1118-CV/TU về việc tăng cường công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân ban tỉnh ban hành Công văn số 518/UBND-KTN, ngày 27/4/2024 về việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.

Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện 5 phương án bảo vệ rừng- phòng chống cháy rừng. Các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án để tăng cường và ứng trực công tác bảo vệ rừng và PCCCR cũng như bố trí dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; đồng thời, vận động người dân và thuê mướn nhân công đổ nước bổ sung vào các bồn dự trữ nước do hộ nhận khoán quản lý và phát dọn cỏ vệ sinh làm giảm vật liệu cháy trong rừng; xây dựng đường băng cản lửa và đường tuần tra phục vụ PCCCR.

Dốc sức bảo vệ rừng khi xảy ra cháy

Cả hệ thống chính trị luôn chủ động trong công tác bảo vệ rừng như thế, tuy nhiên trong điều kiện khô hanh, nắng nóng kéo dài, vừa qua xảy ra cháy rừng tại Khu vực đồi 400 của núi Dài, thuộc ấp An Thành, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) và khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn).

Với đặc thù rừng đồi núi ở vùng Bảy Núi - An Giang có nhiều đồi dốc cao, khô hạn, thiếu nước. Do là vùng căn cứ địa thời kỳ kháng chiến, nên bom, mìn, vỏ đạn còn sót lại khá nhiều ở các cánh rừng. Khi xảy ra cháy, ngoài điều kiện tiếp cận đám cháy khó khăn do đồi núi dốc, vũ khí trong chiến tranh còn sót lại gây nổ, nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ, đòi hỏi công tác chữa cháy phải kiên trì, thận trọng. Nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và cộng đồng trách nhiệm của người dân, 02 vụ cháy đã được dập tắt, không cháy lan, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người tham gia chữa cháy, cụ thể:

Đối với vụ cháy tại khu vực đồi 400 của núi Dài, thuộc ấp An Thành, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), khi được phát hiện lúc 14 giờ, chiều 24/4. Trạm Quản lý rừng và Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn đã kết hợp địa phương xã Lương phi huy động lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy rừng. Địa hình dốc, đá lớn, lò ảng và trong đám cháy có nhiều tiếng nổ đầu đạn, để đảm bảo an toàn, các lực lượng tham gia chữa cháy đã nhiều lần tạm lùi ra, tiếp tục theo dõi; 10 giờ 35 phút, đám cháy được khống chế, nhưng khoảng 19 giờ, tối 25/4, đám cháy bùng phát trở lại; sáng 26/4, lực lượng dùng máy thổi chuyên dùng và máy sạ lúa dọn đường băng đón đầu đám cháy từ trên đồi 400 xuống, chính quyền xã huy động trên 200 người dân, cùng lực lượng công an, quân sự xã, kiểm lâm, cán bộ ban, ngành, đoàn thể tiếp tục dọn và mở rộng đường băng kết hợp dùng máy xịt lúa tưới ướt đường băng…

PCCCR-muakho24-1.jpg

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng

Đến khoảng 18 giờ 30 phút, tối 26/4, do diễn biến của đám cháy lan nhanh nên cần lực lượng cấp trên chi viện. Huyện cũng đã huy động thêm nhiều lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ các xã, thị trấn lân cận tham gia chữa cháy. Đội Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Tịnh Biên đã chi viện 2 xe chữa cháy chuyên nghiệp, cùng trên 10 cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ. Đến 22 giờ 15 phút, đám cháy được khống chế hoàn toàn, không còn ảnh hưởng đến khu dân cư. Tính chung, vụ cháy trên đồi 400, có 222 người tham gia chữa cháy (tăng cường từ tỉnh đến huyện, xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc), huy động 10 xe bán tải, 5 xe chở bồn nước, 5 xe tải chở dụng cụ, máy móc, trên 100 xe gắn máy, 3 máy thổi gió, 40 máy chữa cháy đeo vai, 1 máy chữa cháy đồi núi, 673 cal nước..., nhưng phải mất nhiều ngày để dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Cùng thời điểm, trong khi đám cháy ở khu vực núi Dài diễn biến phức tạp, thì khoảng 10 giờ, ngày 26/4, tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) xảy ra đám cháy rừng. Địa phương đã huy động phương tiện chữa cháy, cùng khoảng trên 150 người là lực lượng kiểm lâm và chữa cháy tại chỗ nỗ lực chữa cháy.


Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng

Huy động máy bay không người lái (drone) để tiếp cận chữa cháy ở những vị trí đồi dốc, khó tiếp cận bằng sức người

Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, tình hình khu vực đám cháy dốc cao, đá lớn, nhiều lò ảng, đá nổ và rơi từ trên cao xuống. Sợ ảnh hưởng mất an toàn đối với các lực lượng tham gia chữa cháy, được sự thống nhất giữa kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, công an, quân sự và cấp ủy, chính quyền địa phương rút lực lượng về để đảm bảo an toàn. Lực lượng kiểm lâm, Ban Chỉ huy Quân sự 2 xã Núi Tô, Ô Lâm tổ chức lực lượng, quan sát đám cháy. Hơn 22 giờ, tối 26/4, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm và Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám đã kịp thời có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy rừng.

Sáng 27/4, công tác chữa cháy được tiếp tục thực hiện, huy động trên 200 người tham gia, triển khai các phương án để dập lửa, bảo vệ rừng… sau nhiều giờ nỗ lực, vụ cháy rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) đã cơ bản được khống chế. Tại khu vực cháy rừng hiện có khoảng 6 - 7 điểm còn phát sinh khói. Huyện Tri Tôn huy động phương tiện chữa cháy, cùng gần 300 người tiếp cận các điểm khói, dùng bình chữa cháy đeo vai, bình nước xách tay và dụng cụ dập lửa để dập tắt hoàn toàn.

Kịp thời chỉ đạo, động viên công tác chữa cháy rừng, trưa 27/4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã đích thân đến kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác chữa cháy rừng ở huyện Tri Tôn. Cùng đi có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang biểu dương nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, quần chúng nhân dân và các lực lượng chức năng đã nỗ lực chữa cháy và khống chế đám cháy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, các ngành chức năng tuyệt đối không chủ quan, cần tiếp tục tập trung huy động lực lượng và các phương tiện dập tắt triệt để đám cháy, không để bùng phát trở lại và lan rộng. Trong quá trình chữa cháy, cần khoanh khu vực cháy không cho người dân hiếu kỳ vào khu vực cháy, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia chữa cháy và Nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cũng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận, để tránh gây hoang mang trong Nhân dân; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cản trở công tác chữa cháy và tạo tin đồn thất thiệt, không chính xác gây hoang mang dư luận.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, sự vào của của cấp ủy, chính quyền, và cộng đồng trách nhiệm của người dân sống gần khu vực, công tác chữa cháy đã hoàn hoàn được dập tắt, không để cháy lan, đảm bảo tuyệt đối an toàn người và dụng cụ tham gia chữa cháy.


Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác chữa cháy rừng ở huyện Tri Tôn

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm báo cáo tình hình và biện pháp chữa cháy khu vực kẹt Càng Đước

Tiếp tục tăng cường cảnh giác, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ rừng

Để tránh các trường hợp đáng tiếc về cháy rừng có thể tiếp tục xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương phải nâng cao tinh thần cảnh giác và thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 1208-CV/TU, ngày 25/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị; an ninh, trật tự an toàn xã hội dịp lễ 30/4 và 1/5; thực hiện nghiêm Công văn 1118-CV/TU, ngày 27/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về việc tăng cường công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao. Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các tổ chức, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân. Nghiêm cấm các hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật….

Bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ riêng của cán bộ kiểm lâm mà còn là trách nhiệm các ngành, các cấp và của toàn dân. Với tình hình thời tiết hanh khô, nắng nóng như hiện nay, để không xảy ra vụ cháy rừng nào nữa. Ngoài những kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng… đòi hỏi ý thức cao từ mỗi người dân. Mỗi người dân cần có sự chia sẻ với chính quyền trong công tác PCCCR./.

NGỌC HÂN

Lượt người xem:  Views:   319
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

PostCategory

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by