(TUAG)- Giữa tháng 8/2023, song hành cùng với các mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở địa phương, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù ra đời đã mở thêm cơ hội, tạo điều kiện cho những người lầm lỡ khi trở về địa phương có nguồn vốn để phát triển kinh tế, giúp những người hoàn lương có điều kiện làm lại cuộc đời. Ghi nhận kết quả bước đầu trên địa bàn thị xã Tịnh Biên.

Công an tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh luôn song hành, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi tắn, anh Lê Hoàng Việt, ngụ xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên không ngại giới thiệu về mô hình chăn nuôi của mình. Nhớ lại khoảng thời gian mới trở về địa phương, nhìn mẹ già, con thơ, anh Việt chưa biết mình sẽ bắt đầu lại từ đâu! May mắn, anh được địa phương hướng dẫn cho vay vốn để chăn nuôi theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cuộc sống gia đình nhỏ của anh Việt đã thay đổi từ đây. Anh Việt phấn khởi cho biết: “Được Ngân hàng Chính sách xã hội (NH.CSXH) cho vay 100 triệu, em xây chuồng trại chăn nuôi, tập trung đầu tư nuôi bò hết. Hiện bò đang nhích giá, cuối năm em sẽ có lời. Cuộc sống giờ ổn lắm!”

Mô hình chăn nuôi của anh Lê Hoàng Việt đang phát huy hiệu quả tích cực
Cùng chung niềm vui với anh Việt, chị Phạm Thị Sa Thúy cũng nhanh chóng từ bỏ cảm giác tự ti khi ngày trở về, chị được chính quyền địa phương quan tâm, động viên và hỗ trợ cho vay vốn để chị mở rộng mô hình kinh doanh của gia đình. Khi được hỏi về tâm trạng của mình khi nhận được số vốn vay, chị Thúy cho hay: “Có được số vốn để làm thêm, mừng lắm! Mà thủ tục nhờ mấy anh em hỗ trợ nhiệt tình nên làm nhanh gọn lắm!”
Rất nhiều trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều mong muốn có công ăn, việc làm, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, một trong những trở ngại mà họ thường gặp là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Và Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như tiếp thêm động lực, mở ra cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Nói về công tác phối hợp triển khai thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thị xã Tịnh Biên, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NH.CSXH thị xã Tịnh Biên cho biết: “Hiện nay, tại các phường xã đều có tổ tiết kiệm cho vay vốn, khi các hộ có nhu cầu vay liên hệ với tổ trưởng của khóm/ấp để tiến hành họp xét cho vay nên cũng rất thuận lợi. Tính đến cuối tháng 9/2024, trên địa bàn thị xã Tịnh Biên đã giải ngân 15 trường hợp với dư nợ trên 01 tỷ đồng”.

Đến thăm mô hình kinh doanh của chị Phạm Thị Sa Thúy
Trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Công an cấp xã đã lập danh sách gửi đến NH.CSXH 220 trường hợp có nhu cầu vay vốn và được NH.CSXH duyệt 64 trường hợp đủ điều kiện giải ngân cho vay với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng. Hiện còn 120 trường hợp tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và xem xét cho vay. Điều đáng mừng là nguồn vốn vay này được sử dụng đúng mục đích và đã phát huy hiệu quả.
Để chính sách nhân văn này tiếp tục lan tỏa và thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ cùng công an các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với NH.CSXH để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thống nhất phương pháp thực hiện, tiến tới đơn giản các thủ tục để nguồn vốn nhanh chóng được đến tay người vay, giúp những người hoàn lương trên địa bàn tỉnh có điều kiện vươn lên, vững bước trên hành hành trình tái hòa nhập cộng đồng.
Bích Trâm, Tiến Tầm