(TUAG)- Sáng 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội
tỉnh An Giang đã có buổi tiếp xúc cử tri với cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động
trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đây là dịp để các đại biểu Quốc hội tỉnh
tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử
tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống, cũng như hoàn thiện
hệ thống chính sách, pháp luật; từ đó, tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội,
các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo
khả thi, sát thực tế.

Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội
dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội
tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đến nay; kết quả trả lời các vấn đề
mà cử tri đặt ra tại buổi tiếp xúc cử tri năm 2023.
Sau khi nghe báo cáo, các cán bộ, đoàn
viên và công nhân lao động đã trình bày thẳng thắn, trực tiếp hơn 17 ý kiến,
cùng nhiều kiến nghị bằng văn bản, tập trung vào các nội dung chính về: cơ chế
quản lý biên chế cán bộ công đoàn cấp huyện/tỉnh phù hợp với Luật Công đoàn (sửa
đổi), chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ tiền lương, chế
độ thai sản đối với lao động nữ, nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa cho công
nhân lao động,..

Cử tri Nguyễn Thành Trước, Liên đoàn Lao
động huyện Thoại Sơn cho biết, hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh và
cấp huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; số lượng đoàn viên
tăng liên tục gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, có nơi công đoàn không kịp
thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi người lao động. Nhiều nơi có đông đoàn
viên, người lao động nhưng số lượng cán bộ công đoàn được bố trí có tính chất
“cào bằng” như địa bàn có ít đoàn viên, người lao động. Do đó, cử tri đề nghị
Quốc hội xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn
(sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công
đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (Điều 26 của Dự
thảo Luật Công đoàn).

Cùng quan điểm này, cử tri Phan Thị Ngọc
Huyền, công nhân Công ty cổ phần ATC Furniture (huyện Chợ Mới) cho rằng,
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có quy định “Thời gian 6 tháng nghỉ thai sản được
tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”. Đề nghị dự thảo Luật
Việc làm bổ sung nội dung “Thời gian 6 tháng nghỉ thai sản được tính là thời
gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp” để bảo đảm sự đồng nhất về chế độ của 3 loại
hình bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp);
đồng thời, để bảo vệ quyền lợi lao động nữ.
Liên quan đến vấn đề tài chính công
đoàn, kinh phí công đoàn, cử tri Nguyễn Kim Yến, Phó Chủ tịch Công đoàn
các khu công nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, kinh phí công đoàn
là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm
lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Trong bối cảnh Ngân sách nhà nước còn
khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động. Thực tiễn, thời
gian qua đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt đoàn viên,
người lao động tại doanh nghiệp được chăm lo về vật chất, tinh thần ngày tốt
hơn từ tổ chức Công đoàn (từ công đoàn cơ sở và từ Công đoàn cấp trên trực tiếp
cơ sở). Qua đó, kịp thời chia sẻ với những khó khăn của đoàn viên, người lao động,
làm cho người lao động thêm tin tưởng, gắn bó với các hoạt động từ tổ chức Công
đoàn. Cụ thể, từ nguồn kinh phí Công đoàn được công đoàn cấp trên trực tiếp cấp
trả lại cho công đoàn cơ sở sau khi doanh nghiệp đóng kinh phí Công đoàn bằng
2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động
và từ đó công đoàn cơ sở có kinh phí chăm lo ngày tốt hơn cho đoàn viên, người
lao động. Cử tri Nguyễn Kim Yến đề nghị Quốc
hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa
đổi).

Mặt khác, việc đưa ra tỷ lệ phân chia
tài chính công đoàn 25/75 (cấp trên/cấp cơ sở) dựa trên nhiệm vụ của từng cấp
công đoàn và thực tiễn điều hành tài chính công đoàn trong 10 năm trở lại đây,
được lấy ý kiến rộng rãi từ các cấp công đoàn, đồng thời, thảo luận dân chủ tại
diễn đàn Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn. Trước đây, tỷ lệ phân chia cho cấp cơ sở
từ 68% - 69%, trên cơ sở điều chỉnh nhiệm vụ từng cấp công đoàn, với tinh thần
hướng về cơ sở, từ năm 2016, mỗi năm, mức phân bổ cho công đoàn cơ sở tăng 1%,
đến nay duy trì mức ổn định 75%. Do đó, cử tri đề nghị đề nghị Quốc
hội xem xét quy định phân chia tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn 25/75 (cấp
trên/cấp cơ sở) như nội dung của dự thảo Luật.

Ngoài ra, một số vấn đề như: thiết chế
công đoàn, nhà ở xã hội, tuổi nghỉ hưu của giáo
viên, người lao động ngành giáo dục, an ninh trật tự… cũng được đại diện
các tổ chức công đoàn, công nhân, người lao động quan tâm, phản ánh tại hội nghị.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu
Quốc hội tỉnh An Giang và đại diện các sở, ngành đã giải đáp một số nội dung
theo thẩm quyền, đồng thời tiếp thu các ý kiến của cử tri đề xuất, kiến nghị.

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh,
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cảm ơn
các ý kiến tâm huyết, thiết thực, thể hiện trách nhiệm của cử tri; đồng thời
trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm. Các ý kiến sẽ được Đoàn
Đại biểu quốc hội tỉnh và các cấp, các ngành tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền
sớm giải quyết theo quy định.
Dịp này,
Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang đã tặng 100 phần qùa cho đoàn viên, công
nhân lao động tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ
8, Quốc hội khóa XV./.
Công Mạo