(TUAG)- Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Tân
đã nỗ lực xây dựng cầu giao thông nông thôn bằng phương thức xã hội hóa
tạo được niềm tin, phấn khởi trong Nhân dân, đồng thời góp phần làm khởi
sắc vùng nông thôn.

Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm",
thời gian qua, xã Hiệp Xương không ngừng huy động sức dân, tiếp tục
thực hiện các công trình dân sinh, nâng cao chất lượng đời sống. Trong
đó, có việc hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn, tạo điều kiện
thuận lợi cho người dân trong và ngoài địa phương đây đi lại, vận chuyển
hàng hóa dễ dàng, đồng thời nâng chất các tiêu chí thực hiện xã đạt
chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Bích
Phượng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tich UBMTTQ Việt Nam xã Hiệp Xương cho
biết: “Hiệp Xương là xã vùng nông thôn, so với mặt bằng chung của
huyện Nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao
thông cần nâng cấp. Đặc thù kênh mương chằng chịt, dân cư sống tập trung
theo tuyến, mỗi con sông có hai tuyến đường bộ hai bên, nên đầu tư
phát triển hệ thống cầu tốn rất nhiều kinh phí. Trong đó, số cầu gỗ
xuống cấp, ngân sách đầu tư xây dựng cầu thì có hạn. Nhưng dưới sự lãnh
đạo của cấp ủy đảng, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự vận động
tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, gắn
với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong
xây dựng nông thôn mới”, xã đã vận động xã hội hóa xây dựng cầu nông
thôn rộng khắp, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, các nhà
hảo tâm tích cực đóng góp”.
Từ năm 2021 đến nay, Hiệp
Xương đã vận động các nhà hảo tâm, Nhân dân trong và ngoài tỉnh xây dựng
mới 3 cây cầu bê tông cốt thép kiên cố, với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều cây cầu mang vai trò kết nối giao thông quan trọng, như
cầu Trường B, nối liền tuyến đường Đông Cái Đầm và Tây Cái Đầm, giữa xã
Hiệp Xương và Bình Thạnh Đông. Mới đây, người dân xã Hiệp Xương vô cùng
phấn khởi vì công trình cầu bê tông cốt thép Trường C, với tải trọng 8
tấn đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu có tổng trị giá xây dựng
hơn 2 tỷ đồng. Kế đó là cầu Bình Tây, nối liền đôi bờ ấp Hiệp Thạnh và
Hiệp Hưng, với tải trọng 8 tấn vừa được khởi công xây dựng, với tổng trị
2 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí xã hội hóa, đặc biệt gia đình ông Phạm Bình
Tây, xã Bình Thạnh Đông tài trợ 2 cây cầu hơn 01 tỷ đồng. Những cây cầu
mới được xây dựng hoàn thành giúp xe 4 bánh lưu thông dễ dàng, người
dân vận chuyển lúa, nếp sau thu hoạch và học sinh đi học thuận lợi hơn…
hiện thực hóa niềm mong ước bấy lâu của người dân.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, xã Hiệp Xương phấn khởi chia sẻ: “Là
xã vùng sâu của huyện, từ xưa đến nay, ở đây chỉ cất những cây cầu ván
nên việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, lúa nếp của người dân đôi bờ
cũng không thuận lợi. Bây giờ xã được quan tâm vận động xã hội hóa xây
những cây cầu bê tông vững chắc, nhất là cầu Trường C mới hoàn thành và
đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, giá cả được tăng
lên nên người dân nơi đây rất phấn khởi.”
Ông Hồ Phát Tài, xã Hiệp Xương chia sẻ thêm: “Về
kinh phí tiền thì chúng tôi không có nhiều, chỉ đóng góp được một ít
nên khi địa phương cần khoảng đất làm mang cá cầu, gia đình tôi hiến một
khoảng đất và cùng với người dân nơi đây đóng góp công sức để cùng xây
dựng sớm hoàn thành cây cầu Bình Tây này. Có được cây cầu này, là điều
mong mỏi lớn nhất của Nhân dân, giúp vận chuyển lúa nếp, học sinh đi lại
dễ dàng hơn”.
Cũng với phương thức xã hội hóa, tính từ đầu
năm 2022 đến nay, toàn huyện Phú Tân đã xây mới 4 cây cầu bê tông cốt
thép, với tổng trị giá hơn 5 tỷ 600 triệu đồng, do nguồn xã hội hóa từ
các nhà hảo tâm, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp. Tiêu biểu như
cầu Tây Phát nối đôi bờ ấp Phú Tây, xã Phú Long và ấp Hòa Phát, xã Phú
Hiệp với tổng kinh phí trên 825 triệu đồng. Xã Phú Long và Phú Thành
cùng khởi công cầu ranh Phú Thành - Phú Long, nối liền đôi bờ kênh Thần
Nông với tổng kinh phí xây dựng trên 750 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa
nhà hảo tâm và Nhân dân trên địa bàn 2 xã đóng góp, dự kiến trong tháng
9/2022, cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời là công trình 2
địa phương phối hợp thực hiện để chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập
tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Thành Ân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết thêm: “Uỷ
ban MTTQ Việt Nam huyện đã tham mưu để vận động các mạnh thường quân
trong và ngoài huyện đóng góp, tạo nguồn kinh phí lớn xây dựng những cây
cầu giao thông nông thôn, thay thế các cây cầu ván xuống cấp. Ngoài ra,
chúng tôi đã gắn kết được các đội thi công cầu thiện nguyện ở huyện
Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đội thi công nhà, sửa chữa, xây dựng cầu đường
của huyện và vận động Nhân dân cùng tham gia xây dựng cầu để giảm chi
phí. Thời gian tới, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục kêu gọi các tổ
chức cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện chung tay, góp sức để
xây dựng cầu, sửa chữa đường, cất nhà đại đoàn kết cũng như hỗ trợ cho
bà con gặp khó khăn,v.v…”.
Những cây cầu giao thông nông
thôn ấp liền ấp, xã nối liền xã trên địa bàn huyện Phú Tân được xây dựng
kiên cố, vững chắc không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng
hóa dễ dàng mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Cùng
với đó là sự đóng góp của các nhà hảo tâm không chỉ được tính bằng vật
chất mà hơn thế nữa đó là những tấm lòng, nghĩa tình cùng với địa phương
chung tay thực hiện nâng chất hạ tầng giao thông nông thôn trong xây
dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Phú Tân
ngày càng phát triển./.
Kim Sang