(TUAG)- Những năm qua, thị xã Tân Châu luôn quan tâm chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo,… với nhiều cách làm thiết thực, cụ thể, qua đó huy động toàn xã hội chung tay hỗ trợ, với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, nhiều người dân trên địa bàn và những lao động từ các tỉnh, thành trở về địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh, với mong muốn tìm được một sinh kế tại quê nhà, việc này đã và đang được cả hệ thống chính trị trên địa bàn thị xã bắt tay thực hiện.

Tặng quà bà con dân tộc Chăm xã Châu Phong
Ngay sau khi người lao động có nhu cầu trở về quê tránh dịch, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Tân Châu đã tổ chức đón tiếp, hỗ trợ tận tình, chu đáo để số người trở về yên tâm, thực hiện đúng các quy định trong phòng chống dịch. Bên cạnh việc đón tiếp, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 các địa phương đã nhanh chóng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con để có kế hoạch hỗ trợ. Theo thống kê của Phòng lao động, thương binh và xã hội thị xã Tân Châu, hiện có trên 6.700 người lao động từ các tỉnh, thành trở về địa phương; trước thực tế trên, các ban ngành, đoàn thể đã huy động nguồn lực thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội như: trao tặng quà, cất nhà tình thương, trợ cấp tiền, tổ chức một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt,… giúp đở người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để từng bước ổn định cuộc sống. Ông Trần Nam Khang, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã cho biết: "Phòng đã tham mưu UBND thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Quyết định số 1856/ QĐ-UBND tỉnh An Giang về việc hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do với số tiền 1.500.000 đồng/người. Đến nay, thị xã đã chi hỗ trợ cho 18.379 người với số tiền 27.568.500.000 đồng, đạt tỉ lệ 99,31%. Ngoài ra, thị xã còn vận động các nhà hảo tâm, hỗ trợ cho người dân tại các ổ dịch, khu vực cách ly, hộ khó khăn để cuộc sống của họ được đảm bảo. Tính đến nay, số tiền và quà vận động, hỗ trợ gần 12 tỷ đồng".

Mô hình nuôi dê
Là một trong những hộ trở về địa phương tránh dịch vừa qua, gia đình Anh Trần Văn Hiền, ngụ xã Phú Lộc sau hơn 6 năm làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, vợ chồng Anh tích lũy được khoảng 30 triệu đồng, khi quyết định về quê tránh dịch, Anh cũng đã dự tính ở lại lập nghiệp tại quê nhà; với số vốn dành dụm được Anh đầu tư 2 bồn nuôi lươn khoảng 2.000 con và 8 con dê. Còn về phần kỹ thuật chăn nuôi, Anh được Hội Nông dân hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Thời gian qua, xã Phú Lộc luôn quan tâm công tác chăm lo cho hộ nghèo, với những cách làm thiết thực như: đào tạo nghề, hỗ trợ vốn làm ăn,… Điển hình, mô hình chăn nuôi dê, nuôi lươn; sau khi kết quả nuôi thành công, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, con giống, đồng vốn cho những người muốn ở lại quê hương lập nghiệp. Theo lãnh đạo xã Phú Lộc cho biết: sau khi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con trở về, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 xã kết hợp Hội Nông dân xã Phú Lộc, tiến hành phân loại nhu cầu để tìm cách giải quyết cho từng trường hợp. Ai có nguyên vọng nuôi dê, nuôi lươn mà chưa có vốn, kinh nghiệm thì 2 Tổ nghề nghiệp trên địa bàn sẽ tiến hành chia sẻ từ kinh nghiệm, con giống, kỹ thuật cho đến đầu ra. Ai muốn trở lại công ty trước đây mình làm thì cũng được. Mục đích là hỗ trợ cho bà con có nguồn thu nhập ổn định, yên tâm ở lại quê nhà sinh sống. Với cách làm này, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình để tạo sinh kế cho bà con trong thời gian tới…

Mô hình nuôi lươn
Còn đối với bà Hồ Thị Nè, ngụ xã Vĩnh Hòa chi sẻ: "Sau 3 năm rời quê hương cùng chồng lên TP.HCM lập nghiệp, đợt dịch lần thứ 4 vừa rồi, không may chồng tôi bị mắc COVID-19, đã qua đời tại TP.HCM. Buồn quá, tôi trở về quê. Khi về tới quê nhà, bản thân tôi được chính quyền địa phương, bà con hàng xóm giúp đỡ, tôi rất cảm động. Tôi suy nghỉ, không ở đâu bằng quê hương của mình, tôi quyết định ở lại đây sinh sống, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, cụ thể như cho gạo, rau củ, cất cho 1 căn hà tình thương để ở. Tôi vô cùng biết ơn chính quyền địa phương và bà con lối xóm".
Tạo sinh kế cho người trở về địa phương, đã được các cấp, các ngành, địa phương thị xã Tân Châu thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Ngoài phát huy vai trò của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thanh niên, nông dân, Cựu Chiến binh…. một yếu tố quan trọng khác là địa phương đã huy động được sự vào cuộc của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn theo phương châm, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để hỗ trợ việc làm cho người trở về và mô hình này đã được Cấp ủy, Chính quyền xã Vĩnh Hòa thực hiện rất tốt. Ông Nguyễn Thanh Minh, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết:"Địa phương thống kê danh sách hộ trở về, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con; qua đó, để phối hợp với 3 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn gồm: Công ty Cổ phần Việt Úc An Giang, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn An Giang, Công ty TNHH MTV Nguyên Phương, 3 doanh nghiệp này thu hút ít nhất 300 lao động; do đó, hộ ở lại địa phương sinh sống mà không có việc làm, chúng tôi sẽ giới thiệu vào làm việc tại 3 doanh nghiệp. Đối với các hộ này, bà con nào muốn trở lại TP.HCM làm việc thì chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện".
Trong phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội luôn được thị xã chú trọng nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Bởi có ổn định, bà con mới có thể cùng chính quyền địa phương chung tay góp sức để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa chống dịch vừa ổn định kinh tế. Thị xã triển khai gói an sinh xã hội với thông điệp "không bỏ sót một ai, cũng không để xảy ra tình trạng trục lợi từ các chính sách này".
Với cách làm đầy sáng tạo, hiệu quả, việc tạo sinh kế cho người trở về địa phương được người dân, dư luận đồng tình ủng hộ. Hy vọng rồi đây, tất cả những người trở về cũng như người ở tại địa phương sẽ gắn kết nhau qua việc làm, tạo được cuộc sống ổn định để cùng hệ thống chính trị thực hiện hoàn thành "mục tiêu kép" mà thị xã đã đề ra.
Văn Phô