(TUAG)- 75 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, lịch sử
phát triển của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam là biểu hiện sinh động của
sự kết nối truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn cao cả, Hội luôn
gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của Nhân dân.
Cách
mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ
và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây
chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục
sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận
động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân
của Hội CTĐ Việt Nam ngày nay).

Hỗ trợ người dân không may bị hỏa hoạn
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với
đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về
tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và
dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số
Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn
phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất
phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe
nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày
23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất
diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây
(nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập.
Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và
Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập
Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm
sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn
quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá
trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Kể
từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội CTĐ Việt Nam như một
mốc son sáng chói đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo
quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu
tiên. Đây là niềm vinh dự lớn đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu
niên, tình nguyện viên CTĐ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có
được.
Trên những chặng đường lịch sử đầy chông gai thử thách
nhưng hết sức vẻ vang của dân tộc, Hội CTĐ Việt Nam đã có những đóng góp
quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tổ chức nhiều hoạt
động nhân đạo nhằm thực thi Luật Nhân đạo quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam
trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thực hiện chính sách an
sinh xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ
quốc.
Đến nay, Hội CTĐ Việt Nam đã qua 10 kỳ đại hội, năm 2018,
lần đầu tiên Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép Hội CTĐ Việt Nam tổ
chức thí điểm “Tháng Nhân đạo” - tháng cao điểm toàn dân làm công tác
nhân đạo, triển khai vào tháng 5 hằng năm, chính thức triển khai từ năm
2021, qua đó khẳng định vai trò nòng cốt của Hội trong chủ trì phát động
và thực hiện các hoạt động nhân đạo của đất nước. Đồng thời, lần đầu
tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 282/QĐ-TTg
ngày 08/3/2018 phê duyệt Điều lệ Hội CTĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ký ban hành Chỉ thị số
18/CT-TTg ngày 09/7/2018 về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt
động CTĐ trong tình hình mới”.

Lễ trao "Túi hàng gia đình Chữ thập đỏ" hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Năm 2021, Việt Nam và thế giới tiếp tục phải đối mặt với đại dịch
COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực đến
nền kinh tế nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp
đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, thất
nghiệp, thiếu việc làm.
Trong bối cảnh đó, các cấp Hội đã tham
mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác
bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp và Nghị quyết Đại hội CTĐ
toàn quốc lần thứ X với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, từng bước
gắn với công nghệ thông tin, đạt hiệu quả cao, nổi bật là công tác tham
gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bằng những hoạt động ý
nghĩa và thiết thực, thời gian qua các cấp Hội CTĐ tỉnh An Giang đã phát
huy tốt vai trò nòng cốt, là “cầu nối” trong các hoạt động cứu trợ nhân
đạo tại địa phương. Qua đó, khơi dậy lòng nhân ái của các tầng lớp nhân
dân, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là tại
các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện phong trào vận động
“Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Tân Sửu – 2021,
toàn tỉnh đã thăm hỏi và tặng quà cho hơn 40.000 hộ, tổng trị giá hơn 17
tỷ đồng; các cấp Hội đã vận động cất mới 17 căn nhà trị giá hơn 700
triệu đồng, cấp trên 10 tấn gạo, 1.000 đòn bánh tét, quần áo và tiền
mặt, tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho 6.016 đối tượng.

Hưởng ứng Tháng Nhân đạo 2021 "Vì một cộng đồng an toàn"...
Thực hiện Tháng Nhân đạo do Trung ương Hội phát động, các cấp hội đã
vận động hỗ trợ nhà ở, khám chữa bệnh cấp thuốc, chuyển bệnh miễn phí,
tương trợ tại chỗ… cho 12.145 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó
khăn trong cuộc sống với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng. Riêng Hội CTĐ tỉnh
đã tổ chức thành công mô hình Chợ Nhân đạo hỗ trợ cho 500 người dân có
hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với 500 suất quà trị
giá 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá
nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Dự án Ngân hàng bò và hỗ trợ sinh
kế; giúp đỡ người già neo đơn và trẻ mồ côi; phong trào cất nhà CTĐ;
phong trào xây dựng, sửa chữa cầu đường, tu bổ lộ giao thông nông thôn;
phục vụ tang chế; hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí… đã giúp đỡ cho
165.114 lượt người nghèo với tổng giá trị 77 tỷ 420 triệu đồng.
Hoạt
động công tác chăm sóc sức khỏe trong năm 2021 đã giúp đỡ 243.145 lượt
người với tổng trị giá là 20 tỷ 022 triệu đồng. Các cấp Hội đã vận động
Nhân dân hiến máu tình nguyện cung cấp máu cho các bệnh viện, Tỉnh Hội
triển khai thực hiện vận động trên 25.000 lượt người tham gia đăng ký
hiến máu và tiếp nhận 12.628 đơn vị máu (toàn phần chưa qui đổi), đạt
63% chỉ tiêu năm 2021, tổng trị giá hoạt động 8 tỷ 298 triệu đồng.
Trong
công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Tỉnh Hội đã hỗ trợ cho gạo,
nhu yếu phẩm, nước rửa tay, khẩu trang, các suất ăn cho người cách ly,
tình nguyện viên tham gia phục vụ khu cách ly… và tuyên truyền cho
142.000 lượt người dân cách phòng tránh dịch COVID-19 với tổng trị giá 1
tỷ 645 đồng.
Đánh giá chung, trong năm 2021 các cấp Hội đã hỗ
trợ giúp đỡ cho 1.135.812 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,
người khuyết tật… với tổng giá trị là 97 tỷ 442 triệu, đạt 112% chỉ
tiêu năm. Tỷ suất hoạt động trong năm đạt 17 lần.

Với
những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tổ chức Hội đã huy động được sức
mạnh nhân đạo của các cấp, các ngành, các đoàn thể và thu hút đông đảo
các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện. Thời gian
tới, Hội CTĐ tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi tổ
chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, vận động quỹ trợ giúp
nhân đạo tỉnh An Giang; tăng cường công tác vận động tại chỗ để hỗ trợ
cho người dân có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống, triển khai các
thỏa thuận hợp tác về giúp đỡ người khuyết tật; đẩy mạnh và nhân rộng
các mô hình nhân đạo tiêu biểu tại địa phương; nghiên cứu nhân rộng 1-2
mô hình về công tác xã hội nhân đạo; tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng
cốt, cầu nối trong các hoạt động từ thiện nhân đạo để giúp những người
nghèo, người yếu thế vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, góp phần
thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kỷ niệm
75 năm Ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam là dịp để mỗi cán bộ, hội viên,
thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ vinh dự, tự hào ôn lại bề dày
truyền thống của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân
đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền
thống nhân ái của dân tộc, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả, thiêng
liêng mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, tiếp tục viết tiếp những trang sử
vẻ vang của Hội CTĐ Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Nguyễn Lam