50 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, thiếu nhi Việt Nam không còn được
đọc thơ Bác mỗi dịp Tết Trung thu nữa. Nhưng tấm lòng yêu thương và
những lời dạy của Người thì vẫn còn mãi. Và các em vẫn luôn cất cao lời
hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh...”.
Lòng thương yêu sâu sắc, bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiếu
niên, nhi đồng không gì có thể so sánh nổi. Đó vừa là tình cảm của một
lãnh tụ cách mạng kiệt xuất vừa là của người ông kính yêu vô cùng gần
gũi, luôn đồng cảm và chan hòa với các cháu.
Sinh thời, không có
Tết Trung thu nào mà Bác Hồ - với tình yêu thương vô bờ bến với các
cháu thiếu niên nhi đồng, lại không có thư và thơ cho các cháu, hoặc vui
tết cùng các cháu. Trong trái tim nhân hậu của vị cha già dân tộc, ở
giai đoạn nào của cuộc cách mạng, trẻ em cũng là lớp công dân được Bác
dành sự quan tâm sâu sắc và mong mỏi “các em mai sau lớn lên thành những
người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”. Trước lúc đi xa, trong Di
chúc Bác viết: “để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Còn
nhớ trung thu đặc biệt năm 1945 - trung thu đầu tiên nước nhà giành
được độc lập từ tay đế quốc thực dân, chỉ trong một tuần lễ, Bác Hồ kính
yêu đã 2 lần gửi thư cho thiếu nhi cả nước. Trong thư gửi ngày
17/9/1945, Người truyền hơi ấm yêu thương trong từng câu, từng chữ, khen
tặng những tiểu chủ nhân của một nước độc lập và không quên gửi tặng
những cái hôn. “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với
các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai
là vì… Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những
người tiểu quốc dân của một nước độc lập…”. Cuối thư, Người gửi tới các
cháu “trăm cái hôn thân ái”. Thật yêu thương xiết bao!
Bức thư
thứ hai gửi ngày 22/9/1945, Người lại cặn dặn: “Các em phải ngoan, ở nhà
phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu
kính… Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với
nước độc lập tự do”.

May mắn hơn các bạn thiếu nhi cả nước, thiếu nhi của thủ đô Hà Nội được đón trung thu cùng Người. (Ảnh tư liệu)
Kể từ Tết Trung thu độc lập đó, dù bận trăm công nghìn việc, kháng
chiến vẫn bộn bề và gian lao, nhưng chưa mùa Trung thu nào Bác quên thơ
mừng các em. Để rồi, Thơ chúc Tết Trung thu đã trở thành một trong những
nét đặc sắc của thơ Bác.
Nhân dịp Trung thu năm 1951, khi cuộc
kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đi vào giai đoạn phản công, trong
niềm vui chung ấy, niềm yêu thương của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng
đã được bộc lộ bằng vần thơ tha thiết yêu thương:
“Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng.
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung…”.
Tết Trung thu năm 1953, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân
dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, trong đó có sự
đóng góp rất tích cực của trẻ em, Bác lại làm thơ:
“9 Tết Trung Thu,
8 năm kháng chiến,
Các cháu khôn lớn,
Bác rất vui lòng.
Thu này Bác gửi thơ chung,
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa,
Thu này hơn những Thu qua.
Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần
...
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Thu sau so với Thu này vui hơn”.
Chiến thắng Ðiện Biên Phủ mở ra cho dân tộc Việt Nam một trang sử mới.
Nhưng đất nước vẫn bị chia cắt hai miền. Người đã đặt niềm tin yêu vào
những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở
nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để
sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần
lớn ở công học tập của các cháu…”.
Những năm kháng chiến chống
Mỹ ác liệt, khi nhân dân “thành đồng Tổ quốc” đang ngày đêm sống rên
xiết dưới gót giày của đế quốc Mỹ và tay sai, nỗi thương nhớ các cháu
thiếu nhi miền Nam luôn cồn cào trong tim Bác. Trong thư gửi các cháu
miền Nam năm 1965, Bác ao ước:
“Nam Bắc sẽ sum họp một nhà,
Bác cháu ta sẽ gặp mặt trẻ già vui chung.
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Ước vọng đó của Người đã thành hiện thực, Bắc, Nam đã liền một dải.
Đất nước hòa bình thịnh vượng đang sánh vai tiến bước cùng các nước
trong khu vực và toàn cầu. Thiếu niên nhi đồng Việt Nam đang được hưởng
một nền giáo dục tiên tiến, được cả xã hội quan tâm và yêu thương.
Bác Hồ của chúng ta là vậy:
“Chỉ biết quên mình cho hết thảy.
Như dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa, nhưng hình ảnh của Người vẫn luôn
gần gũi với mọi thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Tình cảm Bác dành
cho các cháu thiếu nhi và các cháu thiếu nhi dành cho Bác mãi mãi sáng
soi, dịu hiền như ánh trăng đêm rằm. Đọc lại những bài thơ, những lá thư
Trung thu của Người, chúng ta lại được tắm mình trong tình thương yêu
bao la, mát lành tỏa ra từ một tâm hồn lớn, nhân cách lớn./.
Hòa Bình
_________________
Tài liệu tham khảo: Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng (qua những câu chuyện và những bức thư), NXB Sự Thật, năm 2016.