(TUAG)-
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm
công tác phòng, chống lãng phí. Hiện nay, trước yêu cầu tăng cường
nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự
lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những
yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Đây là thông điệp mở
đầu trong bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Trong
từ điển, lãng phí là việc "làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích", hoặc
là "làm một cách vô ích tiền tài, sức lực, thời gian".
Theo
tư tưởng Hồ Chí Minh, đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí.
Người đã chỉ rõ tác hại của lãng phí, đó là : "Tham ô có hại, nhưng
lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất
phổ biến...".
Việc chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy
định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý
nhà nước" [1].Văn
hóa phòng, chống lãng phí là hệ thống giá trị, thái độ và hành vi nhằm
ngăn chặn việc sử dụng lãng phí nguồn lực, tài nguyên và tài sản của cá
nhân, tổ chức và xã hội. Nó thể hiện ý thức trách nhiệm trong việc tiết
kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực công và tư, từ đó giảm thiểu những
tổn thất không cần thiết, đồng thời tạo ra giá trị tối đa từ các nguồn
lực sẵn có.
Trong điều kiện của một
quốc gia đang phát triển, trình độ công nghiệp hóa, khoa học và công
nghệ trong sản xuất, dịch vụ và quản lý còn hạn chế; nguồn tài nguyên
thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và hầu như không có khả năng tái tạo thì
văn hóa phòng, chống lãng phí sẽ thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm, hiệu
quả tài nguyên (đất đai, tài sản công, nhân lực, năng lượng) và giúp
việc quản lý tài sản công minh bạch, cải thiện hiệu suất sử dụng ngân
sách, tạo ra môi trường kinh tế và xã hội bền vững hơn.
Tổng
Bí thư Tô Lâm đã nhận định: "…Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và
vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các
nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ
như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các
nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối
ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước…
Bên
cạnh kết quả đạt được, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều
dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho
phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài
chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài
nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy
giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình
trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất
nước…"[2].
Chúng
ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của
chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng nguồn lực chăm
lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước; công tác phòng, chống lãng phí
cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở
thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Đó cũng
chính là văn hóa ứng xử trong thời đại mới. Vì vậy, việc nỗ lực xây
dựng văn hóa phòng, chống lãng phí là vô cùng cần thiết.
Trước
hết, từng cá nhân cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu về nhận
thức và hành động. Thực hiện nghiêm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt
chước... Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã".
Trên
cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao, cán bộ, đảng viên phải góp
phần xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các đơn vị, địa
phương. Biết tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của
Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện
đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư
duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách
nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật…
Vận
động gia đình, người thân tích cực tham gia lao động, sản xuất, thực
hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, chấp hành nghiêm các quy định của
địa phương về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững kỷ cương,
phép nước; đẩy mạnh đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, ích kỷ, dùng
tài sản chung phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Lãnh
đạo các đơn vị, địa phương phải chủ trì trong phạm vi công việc được
giao cùng tập thể cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường công tác
tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu đúng, thực
hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Người
đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, phòng
chống lãng phí tại đơn vị, địa phương. Xây dựng và hoàn thiện các quy
chế, nội quy, quy định bảo đảm chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả, góp phần
ngăn chặn những tiêu cực, lãng phí nảy sinh trong lĩnh vực quản lý.
Triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong
đơn vị, địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các
điển hình tiên tiến trong thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát và khi phát hiện có hành vi gây lãng phí trong đơn vị, tổ chức mình
phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp
luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn
mạnh: "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là
phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công" [3].
Hiện nay, Nhân dân ta đã có điều kiện để nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp
nhưng cái gốc của sự tiết kiệm, chống lãng phí vẫn luôn cần được thực
hiện. Hy vọng rằng tiết kiệm, phòng chống lãng phí sẽ trở thành văn hóa
sống hằng ngày trong mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân để góp phần đưa đất
nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới./.
Lương Phi
__________
[1] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.12.
[2] Bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm
[3] Hồ Chí Minh toàn tập (tập 11), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.110.