(TUAG)- Những ngày cuối tháng Tư, triệu trái tim cả nước như hòa chung nhịp đập trong không khí hào hùng, rực rỡ, hướng về Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Dành một khoảng lặng, lắng nghe thanh âm giai điệu bài hát "Bài ca không quên" để khẽ nhắc chúng ta trân trọng hòa bình, bởi tự do, hòa bình đắt giá lắm!
Việt Nam - một quốc gia mà trong vòng 100 năm gần đây thì có tới nửa thế kỷ chiến tranh liên tục (9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; 21 năm chống đế quốc Mỹ; 10 năm chiến tranh chống xâm lược phương Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia). Thậm chí chỉ riêng số bom đạn đế quốc Mỹ ném xuống tỉnh Quảng Trị trong 81 ngày đêm ước tính sức công phá đã gấp 7 lần quả bom nguyên tử "Litte Boy" ném xuống Hiroshima.
Hòa bình của nước Việt Nam phải được đổi bằng xương máu của hơn 1,2 triệu liệt sĩ và gần 100.000 thương binh, bệnh binh. Một đất nước mà làng bản nào cũng có anh hùng liệt sĩ, có Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, một dân tộc mà gần như gia đình nào cũng có tấm bằng Tổ quốc ghi công, thì chắc chắc rằng ai ai trên đất nước Việt Nam cũng hiểu được cái giá của hòa bình, đắt đến dường nào.
Và hơn ai hết người thấm thía cái giá của Hòa bình đó là những Mẹ Việt Nam Anh hùng trên mảnh đất hình chữ S này. Khi viên đạn xuyên qua tim người lính, nó cũng xuyên qua tim một người mẹ, nó không chỉ lấy đi sinh mạng của các anh, mà còn lấy đi bình yên của người Mẹ suốt phần đời còn lại, giữ con thì mất nước, mà giữ nước thì mất con.
Tác phẩm Đợi con về của nhiếp ảnh gia Trần Hồng
Trong 30 năm đằng đẵng chống Pháp và chống Mỹ, có hàng triệu người mẹ Việt Nam chung nỗi đau mất chồng, mất con. Có những người mẹ đã trở thành tượng đài bất tử như mẹ Thứ (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), gia đình mẹ có tới 12 liệt sỹ, trong đó 9 con trai, 2 cháu ngoại và một người con rể, điều cay đắng nhất là con trai cả của Mẹ, anh đã hy sinh vào ngày 30/4/1975, khi chỉ còn vài giờ nữa thôi là đất nước thống nhất, chỉ còn vài giờ nữa thôi là anh có thể được về với Mẹ, nhưng tất cả mãi mãi không thể về với mẹ. Cạnh đó là bao chiến sĩ bị thương sống sót trở về, vẫn mang trong mình các vết sẹo chiến tranh hay các nỗi đau da cam/dioxin.
Giữa dòng người tấp nập, ông ngồi đó, lặng lẽ và trầm ngâm. Tay nắm chặt lá cờ Tổ quốc như ôm trọn cả một thời tuổi trẻ đã gửi lại nơi chiến trường
Có những khoảnh khắc nhắc nhớ khiến lòng ta lặng đi, rồi trào dâng những cảm xúc chẳng thể gọi tên. Giữa một buổi sớm tinh mơ, ngước lên, thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Một hình ảnh quen thuộc, vậy mà lòng vẫn rưng rưng. Lá cờ ấy từng đi qua bao thăng trầm, chứng kiến bao cuộc đời, bao thế hệ. Đó là sắc đỏ của máu, của đất, của những giấc mơ về ngày mai. Đó là màu của những đôi chân trần đã từng băng qua đèo cao suối sâu, là ánh mắt kiên cường của những người lính năm xưa. Đó là nỗi đau thương của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, những vết thương đau âm ỉ do chiến tranh để lại cho các thương binh, bệnh binh.
Những đôi mắt đã khép lại trên chiến trường năm ấy, những đôi mắt chưa kịp nhìn thấy quê hương hoàn toàn giải phóng, các anh ra đi khi tuổi đời còn trẻ, với một lời hứa chưa kịp giữ, với một giấc mơ chưa kịp tròn trước khi tiếng đạn xé toạc bầu trời, những giấc mơ ấy đã gửi cho chúng ta, gửi trong tiếng cười trẻ thơ hôm nay, gửi trong từng nhịp đập của đất nước hồi sinh, họ không còn nữa, nhưng ánh sáng từ đôi mắt khép lại ấy vẫn cháy sáng trong mỗi bước chân ta đi, mỗi ước mơ ta ấp ủ, nếu hôm nay bạn đang mỉm cười, xin hãy dành khoảng lặng để nhớ những nụ cười đã dừng lại mãi mãi ở tuổi 20.

Và giờ đây nếu có ai đó hỏi hòa bình có màu gì, tôi sẽ trả lời Hòa bình không chỉ có một màu duy nhất, mà nó là sự hòa trộn của rất nhiều sắc thái cảm xúc, ký ức và cả những điều thiêng liêng không thể gọi tên.
Hòa bình mang màu xanh của bầu trời trong vắt sau những tháng năm đầy khói lửa, là màu xanh của cánh đồng lúa trải dài bất tận, nơi từng vết bom xưa kia nay đã hóa những mùa vàng trĩu hạt. Đó là màu xanh của đồng phục học sinh tung tăng đến trường, của những chuyến xe chở công nhân về nhà sau giờ tan ca, của những người mẹ đứng trước hiên nhà, lặng lẽ nhìn theo bóng con mình mà không còn nỗi lo chiến tranh cướp mất đứa con yêu dấu.
Hòa bình cũng mang màu trắng tinh khôi của những cánh chim bồ câu, là sắc trắng của những tờ giấy chưa bị nhuốm máu, của những bông hoa cúc đặt trên nghĩa trang liệt sĩ nơi những người đã nằm xuống để giữ lại sự yên bình hôm nay.
Hơn hết Hòa bình là màu đỏ rực của lá cờ tung bay giữa quảng trường, màu đỏ của những trái tim luôn thổn thức khi nghe bài Quốc ca vang lên. Hòa bình còn là màu sắc ấm áp của những bữa cơm gia đình, nơi những người thân yêu có thể quây quần bên nhau mà không còn những lo âu về mất mát, chia ly.
Hòa bình hòa quyện tất cả những điều nhỏ bé nhưng trân quý nhất. Và có lẽ, chính vì vậy mà tôi, chúng ta luôn biết ơn những người đã đi qua bão tố, để hôm nay chúng ta có thể chạm vào những gam màu bình yên ấy, hiện diện ở thời điểm rực rở này.
Nếu hôm nay chúng ta đang ước mơ, xin hãy ước mơ cho cả những giấc mơ còn dang dở, bởi ánh sáng từ đôi mắt đã khép lại, chính là ánh sáng dẫn lối cho chúng ta đi tiếp, - vững vàng và tự hào!
Tuy rằng chiến tranh đã đi vào quá khứ mất mát đau thương đã nhường chỗ cho một Việt Nam tự hào và phát triển, nhưng mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện được kể lại để chúng ta hình dung được những tháng năm bi hùng của dân tộc, nhắc về quá khứ để chúng ta biết trân trọng và gìn giữ cuộc sống bình yên mà chúng ta đang được thừa hưởng. Để rồi nếu đi qua một góc phố có tượng đài chiến sĩ, đi qua nghĩa trang liệt sĩ, hay bắt gặp người cựu chiến binh, mỗi chúng ta hãy dừng lại một chút và cuối đầu. Nếu một ngày nào đó nghe ai đó kể về một người lính, hãy lắng nghe bằng tất cả sự trân trọng. Và hãy dành một khoảnh khắc lặng lại để nhắc nhở bản thân rằng: Chúng ta đang sống những ngày bình yên nhờ những con người đã ngã xuống.
Tháng Tư hào hùng, rực rỡ còn là tháng của ký ức, của lòng biết ơn sâu lắng, là lời thì thầm của quá khứ vọng về trong từng nhịp tim. Đó là âm hưởng tháng Tư - âm hưởng của niềm tự hào, của khát vọng tiếp nối và của một lời hứa lặng thầm: Sẽ bước tiếp con đường cha anh đã đi bằng cả trái tim son trẻ./.
H.L