(TUAG)- Tại diễn đàn “Giao lưu văn hoá và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ” ở
New Delhi ngày 03/8/2023, Miếu Bà Chúa xứ núi Sam được Liên hiệp các
Hội UNESCO Việt Nam và GTTCI - Hội đồng Thương mại & Công nghệ toàn
cầu Ấn Độ vinh danh là Điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu Châu Á - Thái
Bình Dương.
Điểm
đến du lịch tâm linh tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương là giải thưởng
do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Thương mại
và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ (GTTC India) tổ chức, giải thưởng được đánh
giá theo tiêu chí UNESCO nhằm ghi nhận những nỗ lực phát triển vào bảo
tồn nguyên những giá trị tâm linh, nét đẹp văn hoá của Việt Nam trong sự
phát triển du lịch tâm linh bền vững.
Miếu Bà Chúa xứ núi Sam
là một di tích nổi tiếng ở núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), hàng
năm thu hút hàng triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành
hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa
như miền Đông, miền Trung tạo nên một mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở
núi Sam suốt nhiều tháng.

Lúc
đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng,
lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Sau nhiều
lần trùng tu, miếu Bà khang trang hơn. Năm 1870, miếu được xây lại bằng
miểng và lợp ngói, thu hút khách thập phương đến chiêm bái, tín ngưỡng.
Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến
trúc cổ kính phương Đông. Mái cong nhiều tầng lợp ngói xanh, tường ốp
gạch men bóng láng nhập từ nước ngoài, các khung cửa bằng gỗ quý được
chạm trổ hoa văn công phu, mỹ thuật. Chánh điện cao rộng, thoáng khí,
vừa uy nghi vừa ấm cúng. Tượng Bà đặt giữa chánh diện, đội mão sặc sỡ,
mặc áo bào thêu rồng phụng, kim tuyến lấp lánh. Đa số khách đến viếng
thăm để dâng hương cầu tài, cầu lộc, thể hiện lòng tạ ơn Bà phù hộ cho
mưa thuận gió hòa, kinh doanh thuận lợi.
Giải thưởng nhằm ghi
nhận những nỗ lực bảo tồn và phát triển vẻ đẹp du lịch văn hóa tâm linh
của Việt Nam trong sự phát triển bền vững của Miếu Bà Chúa xứ núi Sam,
TP Châu Đốc, đồng thời góp phần giáo dục các giá trị văn hóa nói chung
và những giá trị văn hóa tinh thần nói riêng, giữ gìn và phát huy hơn
nữa các giá trị văn hóa của dân tộc./.
Nguyễn Hảo