(TUAG)- Chiều 04/6/2023, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn, nhân dịp kiểm tra, khảo sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tại tỉnh An Giang,
Đoàn công tác khảo sát thực tế di tích chùa Linh Sơn
Tiếp và làm việc về phía Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có đồng chí Lâm Thành Sĩ, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực và đồng chí Thái Thúy Xuân, Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Huyện ủy Thoại Sơn cùng các ban, sở, ngành liên quan và Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo.
Tại buổi khảo sát, Đoàn đến tham quan thực tế và nghe thuyết minh như: Di tích Gò Cây Thị, Gò Út Trạnh, chùa Linh Sơn và nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, nơi lưu giữ và bảo quản các hiện vật khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê chứng minh sự tồn tại của vương quốc Phù Nam - một vương quốc thịnh trị, có tầm ảnh hưởng bao trùm cả vùng Nam bộ từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Đặc biệt, tại đây đang lưu giữ 02 bảo vật quốc gia mới được công nhận năm 2021 trong tổng số 8 bảo vật quốc gia của tỉnh An Giang theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc và Nhẫn Nadin Giồng Cát.

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại di tích Gò Cây Thị

Tại khu di tích Gò Út Trạnh
Hiện nay, có 84 di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê nằm trên địa bàn 10 huyện/thị xã trong tỉnh. Riêng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,2 ha; trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) là 143,9 ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) là 289,3 ha. Di tích gồm các loại hình tiêu biểu: di tích kiến trúc, di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, di chỉ xưởng, hệ thống giao thông thủy, baray (hồ chứa nước). Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (dưới chân núi Ba Thê) do nhà khảo cổ học người Pháp là Louis Malleret thực hiện năm 1944. Với những giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là di tích quốc gia đặc biệt.

Tham quan và nghe thuyết minh về các hiện vật đang được lưu giữ tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo
Qua buổi khảo sát, đồng chí Trần Thanh Lâm và các thành viên Đoàn công tác có dịp tìm hiểu thực tế công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh An Giang - vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa với những công trình kiến trúc nghệ thuật, những danh lam thắng cảnh và đặc biệt là những di chỉ khảo cổ ghi đậm dấu ấn lịch sử tồn tại lâu đời của vùng đất này. Đồng thời đề nghị lãnh đạo địa phương và Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Óc Eo cho thế hệ mai sau. Đồng thời, cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tại địa phương về việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của di tích; sớm hoàn thành việc lập hồ sơ trình UNESCO để đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được công nhận là di sản thế giới.

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh lưu niệm với Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo
Theo chương trình của đoàn, sáng ngày 05/6/2023, Đoàn công tác sẽ có buổi làm việc với Tỉnh ủy An Giang về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tại đại phương.
THANH HẢI