(TUAG)- Ngày 30/01/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký
Quyết định số 41/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm
2022).
Theo đó, có 27 hiện vật, nhóm hiện vật được công
nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, An Giang có 01 hiện vật được công
nhận bảo vật quốc gia đợt này, là: Mukhalinga Ba Thê, niên đại: Thế kỷ
VI, được cấu tạo với chất liệu chính là sa thạch hạt mịn màu xám đen, bề
mặt có lớp patin màu xám ghi sáng, nặng 90kg, với kích thước tổng thể
cao 91 cm, rộng 20-22cm…

Mukhalinga Ba Thê, niên đại thế kỷ VI vừa được công nhận bảo vật quốc gia
Mukhalinga Ba Thê được phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê (huyện Thoại
Sơn, tỉnh An Giang). Là di vật lịch sử tiêu biểu duy nhất trong văn hóa
Óc Eo thể hiện sự chuyển biến về mặt phong cách nghệ thuật tạo hình
trong nhóm loại hình linga, là gạch nối liên kết giữa linga 2 phần hiện
thực với nhóm hiện vật linga – mukhalinga có cấu trúc 3 phần đều nhau.
Đây cũng là hiện vật có niên đại sớm nhất đối với điêu khắc thể hiện
biểu tượng “mukha” trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.
Như vậy, tỉnh An
Giang đã có 8 bảo vật quốc gia. Cùng với Mukhalinga Ba Thê, hiện Bảo
tàng tỉnh An Giang còn lưu giữ 5 bảo vật quốc gia khác, là Tượng Brahma
Giồng Xoài (niên đại thế kỷ VI - VII); Bộ Linga-Yoni Đá Nổi (niên đại
thế kỷ V - VI); Tượng Phật đá Khánh Bình (niên đại thế kỷ VI - VII);
Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (niên đại thế kỷ IV - VI) và Bộ Linga - Yoni
Linh Sơn (niên đại thế kỷ VII). Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo lưu
giữ 2 bảo vật quốc gia: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (niên đại thế kỷ III -
IV) và Nhẫn Nandin Giồng Cát (niên đại thế kỷ V).
Nguyễn Lam