(TUAG)- Chiều 15/3, Phân hội Nhiếp ảnh
và Phân hội Điện ảnh An Giang phối hợp tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật chào mừng
kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh, Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2022). Đồng chí Thái
Thúy Xuân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến dự.

Phát biểu chào mừng, ôn lại kỷ niệm Ngày
truyền thống Điện ảnh, Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2022), Họa sĩ Bùi
Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nêu rõ: Cách đây
69 năm, ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái
Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp
Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”.

Phát huy truyền thống Điện ảnh, Nhiếp
ảnh nước nhà, các hội viên Điện ảnh, Nhiếp ảnh tỉnh An Giang luôn luôn bám sát vào
dòng chảy của đời sống, nhất là các đề tài lớn mà lĩnh vực văn học, nghệ thuật
hướng tới như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo
vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc; những thành tựu trong công cuộc đổi mới của
đất nước, của tỉnh An Giang… đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
để nỗ lực sáng tác, cống hiến những tác phẩm hay, đẹp, chất lượng, nâng tầm thưởng
lãm nghệ thuật của công chúng và đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn hóa,
văn học, nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian tới, Họa
sĩ Bùi Quang mong muốn hội viên của 2 chuyên ngành tiếp tục phát huy tinh thần
đoàn kết, tích cực sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng, nghệ thuật
cao để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ về đời sống
văn hóa, tinh thần phong phú của nhân dân. Xứng đáng và tự hào với truyền thống
Điện ảnh, Nhiếp ảnh nước nhà.

Phát biểu khai mạc triển lãm Ảnh nghệ
thuật tỉnh An Giang năm 2022, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ Trung Kiên - Phân hội trưởng
Phân hội Nhiếp ảnh An Giang cho rằng, những tác phẩm tham gia triển lãm hôm nay
đã phản ánh khá trung thực cuộc sống của Nhân dân vùng đất
giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng. Nhiếp ảnh nghệ thuật đã mang đến cho chúng ta những nét đặc
thù được thể hiện trên từng gương mặt, từng công trình, ca ngợi vẻ đẹp của những
con sông, dãy
núi, xóm làng, cùng với các vấn đề về an sinh xã hội,
an ninh quốc phòng, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế của An Giang… Nêu bật
những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong việc giữ gìn
và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Triển lãm cũng đem lại cho người xem hình ảnh
những công trình phát triển nông thôn, dự án và các ý tưởng thể hiện sáng tạo
trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Ở đây, mỗi người cầm máy đều thể
hiện tình yêu An Giang qua những góc nhìn của mình. Tất cả những góc
ảnh khá độc đáo thể hiện cái nhìn riêng nhưng minh chứng cho một chủ
đề chung về An Giang phát triển, thân thiện và sáng tạo. Qua cuộc triển
lãm, mang
đến cho người xem hiểu biết thêm về sự chuyển mình đổi
mới của quê hương, của môi trường sinh thái, của thiên nhiên làm tăng lòng yêu
quê hương, đất nước.
Hòa vào niềm vui chung của buổi lễ, Nhà
báo Lê Thành Trung - Phân hội trưởng Phân hội Điện ảnh An Giang chia sẻ về những
kết quả nổi bật của các hội viên và giới thiệu một đoạn phim ngắn của Nhà quay
phim Nguyễn Thế Đoàn - một người con của quê hương An Giang. Ông chính là người
Việt Nam đầu tiên quay những thước phim nhựa vô cùng quý giá về Bác Hồ kính yêu.
Ông là một trong những người khai sinh
ra Điện ảnh Nam Bộ…

Dịp này, Liên
hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tặng Giấy khen cho 06 hội viên Phân hội Điện
ảnh, Phân hôi Nhiếp ảnh có đóng góp tích cực cho phong trào văn học, nghệ thuật
tỉnh An Giang
Trường Giang