(TUAG)- Đồng bằng Nam Bộ là vùng đất phẳng,
có sông nước kênh rạch chằng chịt, nhiều lối
nhỏ đường ngang, cầu phà dầy đặc nên cái chợ ở đồng bằng có nhiều điểm khác với
chợ vùng cao. Người vùng cao thường phải vận chuyển hàng hóa hay những thứ nuôi
trồng được từ nhiều nơi khác nhau về một điểm gọi là chợ để trao đổi mua bán,
người đồng bằng thường tiện đâu bán đó nên các chợ mọc ra nhiều hơn, ở ngã ba
ngã tư, đầu cầu hay bến sông là những nơi dễ dàng nhất để tụ lại làm nên cái chợ.
Xưa là vậy, nhưng bây giờ có khác, khi xã hội phát triển, con người đông hơn
nên nhu cầu cuộc sống tăng lên, mọi thứ dần tuân thủ theo những quy định riêng
của nó, cái chợ cũng phải nằm vào những vị trí được quy hoạch, được phân công quản
lý để có trật tự, vệ sinh, có nơi quản lý chất lượng sản phẩm cho người tiêu
dùng.

Tôi đọc sách tản văn “Đong tấm lòng” nhà
văn Nguyễn Ngọc Tư, trong đó tác giả mô tả rất sinh động một dạng chợ trên sông
mà người xưa hay gọi ghe thương hồ “Chiếc ghe tưởng nhỏ mà hỏi gì cũng có, từ
thịt cá đến rau củ, từ cây kim tây cho đến thùng chứa nước mưa. Họa hoằn vài thứ
không sẵn trên ghe, chủ chợ hẹn lại sáng mai mang tới”. Đó không phải thuộc về
những câu chuyện cũ trong sách, thực tế chợ trôi là các ghe thương hồ tồn tại từ
xưa đến nay trên tất cả các dòng sông. Tương tự như vậy, ở đồng bằng nơi vàm
kinh hay cù lao cách sông, kể cả ở phố có những con đường xa chợ, người ta đặt
nhiều thứ hàng hóa thiết yếu lên chiếc xe bằng gỗ có hai bánh, trên đó khi là
rau dưa hành tỏi, thực phẩm tươi sống, khi là trái cây bánh mứt, vải vóc hay hàng tiêu dùng đủ loại…họ đẩy đi rong ruổi khắp
nơi từ đường rộng thênh thang đến hang cùng, ngõ hẻm. Chợ có nơi thì ngồi (là
những chợ quê ngồi chồm hổm hoặc các chợ nông sản lớn) có chợ trôi, chợ đi, thậm
chí là chợ chạy như cách các doanh nhân, siêu thị đưa hàng bán lẻ về nông thôn
trên các xe ô tô vào những dịp lễ tết hay hội hè nào đó.
Và tôi cũng muốn nhắc lại bài vọng cổ
“Chợ Mới” của tác giả Trọng Nguyễn. Bài ca ấy nổi tiếng và rất quen thuộc với
công chúng khắp nơi. Bằng câu hỏi dí dỏm “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi,
mà ai cũng bảo rằng Chợ Mới quê hương…”. Cách mở đầu của tác giả thật là thú vị,
hình ảnh cái chợ vừa gần gũi vừa tự nhiên tạo cho người nghe một sự cảm mến, nó
dẫn dắt đi vào câu chuyện tình chung thủy thật dễ thương.
Tên tuổi của chợ dù lớn hay nhỏ thì mỗi
nơi mỗi khác. Chợ hình thành và phát triển cùng với lịch sử của vùng đất. An
Giang có rất nhiều chợ nổi tiếng như: Chợ Châu Đốc, chợ Long Xuyên, chợ Tịnh Biên,
Tân Châu, Long Bình… Đó là những cái tên chợ được khách du lịch nhắc nhở vì sự
trù phú, đa dạng và có nhiều đặc sản nổi tiếng nhất vùng. Nếu nhìn góc độ từ chợ
truyền thống cho đến chợ hiện đại, dù các siêu thị đã mọc lên khá nhiều, vừa tiện
nghi sang trọng, vừa phong phú nguồn hàng cho đến sự bắt mắt của các loại bao
bì sản phẩm. Dù hàng hóa ở siêu thị cố tình lấn áp ở thế mạnh công nghệ hiện đại,
nhưng xem ra chợ truyền thống của người quê vẫn không vì thế mà mai một.
Văn học miêu tả thường gợi nên hình ảnh
cuộc sống, các chợ nổi trên sông như chợ nổi Cái Răng của vùng đất Tây đô lừng
danh một thời, chợ nổi Ngã Năm, chợ nổi Long Xuyên nơi đầu nguồn sông Tiền sông
Hậu và vô số các chợ nổi khác rải rác khắp nơi ở Đồng bằng Nam Bộ rất đáng để
làm nên một đặc trưng của vùng, cái chợ ngoài chức năng mua bán nó còn thu hút
khách tham quan du lịch, nó có khả năng kích cầu cho địa phương phát triển ở
lĩnh vực thương mại và du lịch.

Chợ nổi Ba Ngàn (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) tấp nập ghe xuồng với
bạt ngàn đặc sản hoa trái phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. (Ảnh: Duy
Khương/TTXVN)
Vấn
đề đặt ra hiện nay là, làm gì để giữ lại sự tồn tại của kiểu chợ nổi trên sông
như lưu giữ một nét văn hóa đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển
nó lên ở một vị trí có tiềm năng tốt hơn? Ngành du lịch có thể tận dụng hình thức
chợ nổi để thu hút khách tham quan, nhưng mục đích chính của chợ vẫn là giao
thương mua bán. Để tính toán cho sự sống còn và phát triển của cái chợ đặc
trưng như thế không chỉ tùy vào lượng hàng hóa người nông dân làm ra, vào khả
năng vận hành của tiểu thương, doanh nghiệp mà cần sự quyết tâm nhiều cấp nhiều
ngành trong quản lý và đầu tư, chú trọng theo hướng phát triển tiềm năng kinh tế
vùng hay cả nước.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động
trực tiếp lên đời sống của người dân, vài thành phố buộc phải đóng cửa, việc hạn
chế giao thương là để khoanh vùng dập dịch, tránh sự lây lan trong cộng đồng.
Các chợ lớn nhỏ đều phải đóng cửa thì điều gì đã xảy ra? Chúng ta đã rất vất vả
trong lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu, ách tắc sản
xuất, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tiểu
thương, hoạt động các doanh nghiệp tạm dừng làm thiệt hại không nhỏ nền kinh tế
nói chung trong suốt thời giãn cách xã hội. Công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ
con người điều kiện căn bản như ngân hàng có thể rót tiền vào tài khoản để trả
lương, chi xuất các hoạt động tiền tệ, các khoản có thể thanh toán bằng giao dịch
điện tử, thậm chí chỉ cần một cái click chuột là có thể hoàn tất việc mua bán,
lựa chọn nhiều thứ cần thiết qua các trang mạng điện tử, mua hàng hóa onlin và
được giao hàng đến tận nhà. Nhưng nhiều thứ chỉ có thể xảy ra ở chợ mà không gì
thay thế đó chính là sự giao tiếp giữa người và người.
Tết Nguyên đán là Tết truyền thống của
người Việt Nam. Quê chính là nơi để mọi người trở về xum họp gia đình sau một
năm làm việc vất vả. Ai cũng có cội nguồn tổ tiên, người thân và bạn bè để ân cần
thăm hỏi lẫn nhau. Bảo rằng muốn tìm thấy hương vị của cuộc sống thì đi ngay đến
chợ quả là không sai, ở đó mọi sự hỉ nộ ái ố diễn ra rất rõ ràng, thanh thiên bạch
nhật. Chợ cũng chính là nơi làm nên ký ức và linh hồn của cuộc sống.
Điều thú vị là ai cũng muốn đi chợ cuối
năm để sắm Tết. Cho nên, muốn biết Xuân nay có sung túc hay không thì hãy nhìn
vào chợ, trên gương mặt của những người bán mua./.
LÊ
THANH MY