(TUAG)- Quý biết bao nhiêu những tấm lòng của người nông dân chân chất, sống nhân hậu với từng sinh linh nhỏ bé.
Bữa đó, đi ngang qua một cánh đồng lúa chín, tôi bắt gặp vũng
nước đọng bên rìa đám ruộng, rộng chừng bằng chiếc đệm. Trước kia, hể
trên ruộng mà có vũng nước kiểu đó, thì cá mắm nhiều vô số kể. Đa phần
là cá rô, cá sặc, móc sâu xuống bùn một chút là có cá chạch, lươn. Xách
thùng đi tát chừng một vũng như thế thôi là cả nhà ăn không hết. Mà
nguyên cánh đồng thì biết bao nhiêu là vũng, bởi vậy bà con khỏi lo gì
chuyện cá mắm trong bữa cơm hàng ngày. Cứ như là cá để sẵn ngoài đồng,
đến bữa thì xách thùng xách thau ra bắt về ăn thôi. Ếch trong đám lúa
cũng thường nhảy xuống vũng, xuống mương kiểu này để kiếm mồi. Chỉ cần
mình đặt mấy cái lọp ếch, sáng ra được vài ký như chơi. Còn không thì
buổi trưa xách bẫy cò ra cắm, chiều thế nào cũng có vài con cò trắng hay
cúm núm xào mướp, rô ti. Nhưng đó là cái vũng nước hồi xưa, còn bây
giờ, vũng nước tôi ghé lại xem chẳng thấy bóng dáng con cá nào cả, chỉ
có vài con ốc bưu vàng nằm lăn lốc. Dấu chân ếch kiếm đỏ con mắt cũng
chẳng thấy cái nào. Vài dấu chân cò xuất hiện mờ mờ bên mép nước, cơ hồ
như chúng chỉ đáp lại một chút, thấy không có cá mắm gì ăn lại bay đi.
Cái vũng nước nhỏ đó chẳng hiểu sao khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, có lẽ
nó là một minh chứng về sự biến thiên của vùng đất miền Tây Nam Tổ quốc
trong mấy năm qua.

Tôi
đem nỗi trăn trở nói với vài người bạn quen, ai cũng bảo bây giờ người
ta làm ruộng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá, nên cá mắm ếch
nhái chết hết rồi, còn đâu nữa mà kiếm. Không dừng lại ở đó, khi các
cánh đồng tháo nước ra sông, cá trên sông cũng chết. Bởi vậy bây giờ
“cái túi cá” miền Tây một thời đã cạn kiệt hết rồi. Mấy người làm nghề
hạ bạc đa số cũng chuyển nghề khác, hoặc đi lên thành phố, đi Bình Dương
làm mướn, chớ cá mắm đâu nữa mà đánh bắt. Tôi nghe mọi người nói, lòng
buồn như chính bản thân mình bị mất mát cái gì quý giá lắm. Tôi không
biết rồi đây miền Tây sẽ còn bị đẩy đến đâu, khi người dân mãi chạy theo
năng suất nông sản mà lạm dụng phân thuốc, làm cho môi sinh trong khu
vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thấy tôi có vẻ không vui, chị nhà văn Võ
Diệu Thanh nói, không hẳn mọi thứ đều biến chuyển theo chiều hướng xấu
đâu, xứ này vẫn còn nhiều chuyện tốt đẹp lắm, không tin chị dẫn đi coi.
Tôi
theo chân chị, đến ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang).
Đi dọc con kinh Thần Nông được chừng năm trăm thước thì chị kêu dừng
lại, ghé vào một căn nhà nhỏ xíu cất cạnh con kinh. Cũng như bao căn nhà
khác, nhà này làm một cây cầu bên hông, đâm thẳng xuống sông để tiện
cho bà con đi rửa chén vo cơm giặt đồ. Chỉ có điều lạ là, khi tôi bước
xuống cầu thì phát hiện hàng ngàn con cá đang bơi lượn dưới nước. Chị
Thanh cầm nắm thức ăn rải xuống, mặt nước lập tức bị cá phủ kín. Chúng
chen chúc nhau ăn, không hề tỏ ra nhút nhát hay sợ con người gì cả. Thậm
chí, tôi đưa tay xuống nước là có thể vuốt lưng vuốt bụng vài con, tiện
tay bắt một hai con chúng cũng không phản kháng.

Chị
Thanh nói với tôi, đàn cá này chủ yếu là cá tra, nhưng cũng có nhiều
loại cá khác cộng sinh, như cá mè dinh, cá lòng tong, cá trê, cá rô...
Đó là cá tự nhiên sống trên con kinh Thần Nông này, chớ không phải cá
nuôi đâu. Từ hơn một năm trước, khi bầy cá đầu tiên chừng vài chục con
bơi tới bến này, thì được chủ nhà đem cơm nguội rải xuống cho ăn. Và từ
đó, ngày hai buổi bầy cá cứ lội lại bến chờ “ăn chực”, chủ nhà cũng nhín
chút cơm nước để “đãi” chúng. Ngày qua ngày, số cá đến ăn càng nhiều
thêm, khẩu phần ăn của chúng cũng tăng từ vài chén cơm giờ thành mấy bao
thức ăn. Những chuyên gia dựa vào mật độ cá và độ sâu của dòng kinh,
ước tính có khoảng hơn 5 tấn cá đang “ăn nhờ ở đậu” chỗ bến nước này.
Người
“cưu mang” bầy cá cả chục nghìn con này là ông Trần Văn Đặng, dân hay
gọi là ông Năm Đặng, năm nay 51 tuổi. Ông ăn chay trường, có lòng từ tâm
với mọi sinh linh. Mỗi ngày gia đình ông phải bỏ ra mấy trăm ngàn mua
thức ăn cho bầy cá, nhưng ông không hề buồn lo gì cả. Ông chỉ sợ nguồn
nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến chúng, hoặc là dân cào điện xuyệt điện
đánh bắt cá thôi. Cũng may là việc nuôi dưỡng đàn cá của ông Năm Đặng
được người dân biết đến ngày càng nhiều, nên mỗi người một tay, góp thêm
tiền của để ông mua thức ăn cho cá. Họ cũng thường xuyên nhắc nhở dân
đánh bắt hãy chừa khúc kinh này ra, để đàn cá được sống yên ổn. Ông Năm
Đặng nói, dân cào điện giờ qua đoạn này đều cất cào lên, đi xa xa rồi
mới để xuống cào tiếp. Còn xuyệt điện thì lâu rồi ông không thấy xuất
hiện nữa. Có lẽ việc làm của ông Năm có ý nghĩa, nên đã lan tỏa được
thông điệp tích cực đến cho mọi người.

Chúng
tôi ngồi nói chuyện với ông Năm có một chút, mà thấy mấy nhóm người ghé
qua xem đàn cá, chủ yếu là các bạn trẻ. Họ thích thú rải thức ăn xuống
để nhìn đàn cá chen chúc nhau ăn, có thể sờ vào chúng hoặc vuốt ve thân
thiện như những con thú cưng. Các bạn trẻ cũng không quên chụp ảnh và
quay video lại cảnh tượng lạ lùng này. Nhiều bạn không tin rằng chúng là
đàn cá tự nhiên, cứ nghĩ đây là cái hầm nuôi cá thông thường. Đến khi
thấy ghe xuồng vẫn chạy xuôi ngược qua lại trên con kinh, các bạn mới
biết con kinh không hề bị đắp đập hay ngăn dòng gì cả. Bạn nói, đã từng
thấy cái clip quay đàn cá này, nhưng mà không tin, bởi chuyện đàn cá
hàng ngàn con đến “ăn nhờ ở đậu”, được người dân “cưu mang” sao mà giống
trong cổ tích quá. Giờ tận mắt chứng kiến bạn mới tin. Hóa ra cổ tích
giữa đời thường là có thật, và người viết nên câu chuyện cổ tích này
chính là ông Năm Đặng.
Nghe bạn nói vậy, ông Năm cười hiền,
gương mặt ông phẳng lặng vô ưu. Ông bảo, người ta hay nói đất lành chim
đậu, bến lành thì cá nương nhờ, chúng đã tìm đến mình thì mình dưỡng dục
chúng, đó là đạo lý mà ông luôn tâm niệm. Không chỉ cưu mang đàn cá, mà
bình thường ông rỗi rãi cũng đi làm từ thiện, góp sức mình làm điều gì
có ích cho người khác là ông vui. Xóm ông cũng không ai khá giả gì,
nhưng sẵn sàng bỏ ra hơn 100 công ruộng để trồng cây thuốc Nam cho các
nhà thuốc. Ai có của góp của, ai có công góp công, nhờ vậy mà mấy năm
nay cả trăm công thuốc Nam đó đã cung cấp hàng vạn than thuốc cho bà con
nghèo khắp mọi miền đất nước.

Khi
tôi nhắc câu chuyện cái vũng nước bị thuốc bảo vệ thực vật làm cho
không còn con cá con tép gì cả mà tôi vừa gặp, ông Năm hơi nhíu mày nghĩ
suy một lúc rồi nói, bây giờ nhiều người vì quá ham năng suất cao, nên
không quan tâm đến hậu quả, gián tiếp hủy hoại môi trường. Ông lo là đàn
cá dưới kinh này ngày nào đó sẽ bị ảnh hưởng. Ông Năm cũng làm mấy công
ruộng, nhưng ông hạn chế dùng phân thuốc. Đối với ông, năng suất có cao
có thấp chút đỉnh cũng chẳng hệ trọng gì, ông và gia đình vẫn đủ ăn đủ
sống thôi. Chủ yếu là mấy con ếch con nhái, con cá con lươn ở trong
ruộng lúa mình nó phải sống được, chớ xịch thuốc xong nhìn nó chết trắng
bụng thì về ông ăn ngủ không ngon, dù lúa có trúng mùa ông cũng chẳng
vui vẻ gì.
Không hiểu sao, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ông Năm
Đặng lại khiến tôi thấy lòng vui khó tả. Thương biết bao nhiêu những tấm
lòng của người nông dân chân chất, sống nhân hậu với từng sinh linh nhỏ
bé. Nhiều người trong chúng ta cứ mãi chạy theo vật chất phù du, còn
những người như ông Năm lại chẳng màng của cải, sẵn lòng cho đi miễn sao
cuộc sống tốt đẹp, an nhàn. Đó là minh triết của người nông dân mà
không phải dễ dầu gì ai cũng làm được. Bởi vậy, cũng chẳng ngoa khi nói
rằng ông là người đang viết cổ tích giữa đời thường. Mà ở miền Tây này,
người như ông Năm nhiều lắm, kể hoài không hết./.
Trương Chí Hùng