Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn hóa - Văn nghệ

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Văn hóa - Văn nghệ
Thứ 4, Ngày 10/03/2021, 10:00
Tô thắm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
10/03/2021 | Thanh Hoàng

(TUAG)- Lật xem những trang sử từ xa xưa trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, như còn nghe văng vẳng tiếng voi gầm ngựa hí của một thời trận mạc. Hình ảnh Bà Triệu, Hai Bà Trưng dũng mãnh oai phong trên bành voi xung trận đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cũng tự hào với Hồ Xuân Hương - một nữ sĩ dám nhạo báng những quan niệm hẹp hòi, đố kỵ của một xã hội trọng nam khinh nữ, mà ở bà luôn mạnh bạo và da diết đòi hỏi "nữ quyền"; không quên những vần thơ trăn trở về kiếp người, vận nước của Bà Huyện Thanh Quan.

Phu-nu-VN.jpg

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, qua hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều bà cụ ngoài bảy mươi, tám mươi tuổi, không những xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu… xông pha đánh giặc, vẻ lên nét đẹp truyền thống "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng con ra trận. Có những bà mẹ đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc. Có những bà mẹ thức thâu đêm vá áo cho chiến sĩ. Có những người chị ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi như 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc...; máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã đi vào thơ ca nhạc họa. Cái đẹp ấy kết tinh trong những cái tên đầy màu sắc huyền thoại như Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Hồng Gấm, chị Út Tịch, mẹ Suốt... và đã đóng góp xứng đáng vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đồng thời, giành thắng lợi cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Phụ nữ đã không chỉ được giải phóng, đóng góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ", "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại".

Trong tác phẩm "Đường Kách Mệnh", Người dẫn lời Các Mác: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. V.I.Lênin nói: Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia"(1). Những lời ngợi khen của các nhà kinh điển lỗi lạc và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhận định phụ nữ luôn nắm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội và gia đình.

Từ ngày có Đảng ta lãnh đạo, vai trò của phụ nữ được đề cao và phát triển vượt bậc cả về nhận thức và đóng góp của các cô, các chị, góp phần làm nên những chiến công oai hùng của dân tộc.

Bôn ba trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã không chỉ đồng cảm mà còn đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với phụ nữ xứ thuộc địa: "Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố, trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga". Không chỉ có ách áp bức thực dân, mà lễ giáo phong kiến cũng coi người phụ nữ là những phận người hèn mọn, hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì.

Bác Hồ luôn giành cho chị em phụ nữ những tình cảm thương yêu, quý mến và thân tình nhất. Mỗi khi đến dự hội nghị hay cuộc họp của các địa phương, các bộ, ngành, Người đều hỏi có đại biểu nữ và mời họ lên hàng ghề đầu, cùng ngồi. Đi đến địa phương nào, Người cũng đều hỏi thăm về các phong trào phụ nữ, những chị em có nhiều công lao với cách mạng.

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tháng 10/1966, Bác Hồ khẳng định: "Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc". Đồng thời, Người đã nêu một cán bộ lãnh đạo nữ rất kiên cường, dũng cảm của miền Nam chống Mỹ cứu nước "Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta…" và chỉ ra rằng "Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta".

Người khẳng định: "Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và Nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa"(2). Đồng thời, Người luôn thương yêu và coi trọng phụ nữ, xem "Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi"(3).

Thời gian qua, Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đi vào cuộc sống. Nghị quyết nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35 đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo nữ, chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới

Sau 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu đạt được có ý nghĩa và lịch sử, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế. Với hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ Việt Nam "giỏi việc nước, đảm việc nhà", cần cù, không ngại gian khó, vượt lên đói nghèo, lạc hậu, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tỉ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Những nhiệm kỳ đại hội của Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng; Việt Nam luôn có Phó Chủ tịch nước là nữ; tỉ lệ nữ trong Quốc hội chiếm gần 27%. Theo thống kê của Liên minh nghị viện thế giới, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 26,8%, tăng 2,71% so với khóa XIII. Lần đầu tiên ở Việt Nam, Quốc hội khóa XIV có nữ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới; trong khoa học, công nghệ phụ nữ tham gia gần 40% và tỉ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%.

Hiện nay, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của phụ nữ, mỗi phụ nữ tạo ra bản lĩnh riêng, từ trí tuệ được nâng cao, nhạy bén và năng động, cùng với vẻ đẹp nhẹ nhàng, sâu sắc tỏa ra từ tấm lòng nhân hậu của họ. Họ là những công dân ưu tú, giúp ích cho xã hội, đồng thời là người vợ hiền, người mẹ tận tâm, là ngọn lửa trong mỗi mái ấm gia đình.

Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để phụ nữ phát triển và cống hiến; phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

_______________________

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, t.2, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tr.443

(2): Sđd, t.12, tr.197

(3): Sđd, t.5, tr.408

 Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hoàng

 

Lượt người xem:  Views:   398
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by