Thực tế, Đại lễ
Vu lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ
chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng
sinh thành, dưỡng dục, hướng về cội nguồn, tri ân các vị anh hùng đã có
công lao to lớn với đất nước trong lịch sử dân tộc, tôn vinh các giá trị
văn hóa truyền thống của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, đền đáp
Tứ trọng ân, đó là Ân cha mẹ, Ân chúng sanh, Ân Quốc gia xã hội và Ân
Tam bảo.

Hoa đăng báo hiệu mùa Vu Lan đã đến
Từ một nghi thức mang màu sắc văn hóa Phật giáo, lễ Vu Lan dịp tháng
7 hàng năm dần trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền
thống của người Việt Nam. Vu Lan là dịp để gia đình sum họp, con cháu
hỏi han, chia sẻ với ông bà, cha mẹ về niềm vui, nỗi buồn trong cuộc
sống, cầu cho cha mẹ được hưởng phúc lành, đồng thời giúp đỡ những hoàn
cảnh khó khăn với hoạt động từ thiện, tri ân hướng đến đồng bào.

Nghi thức rửa chân tri ân cha mẹ tại chùa Linh Sơn, xã An Phú trong mùa Vu Lan báo hiếu 2019
Trong ngày lễ này, ngoài những nghi thức như: Giảng kinh về đạo
hiếu, lễ phật, dâng y, phóng sinh, dâng trà, rửa chân cho cha mẹ… thì
những người đến chùa dự lễ, mỗi người đều được cài lên áo một bông hồng
nhỏ. Người còn cha mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn cha mẹ
thì được cài bông hồng trắng để mọi người nhớ về cha mẹ của mình, cầu
nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn
còn cha, còn mẹ thực hành sống thương yêu, hiếu hạnh, là dịp để mỗi
chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ
câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi
mắt mẹ nghe không”. Để rồi từ đó tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành.
Vu
lan - báo hiếu là truyền thống tốt đẹp của giáo lý đạo Phật, khởi
nguyên từ tinh thần tri ân và hiếu nghĩa của dân tộc. Đạo hiếu và truyền
thống văn hóa dân tộc luôn hòa nhập, trở thành nền tảng đạo đức của dân
tộc Việt Nam. Khởi nguồn là ngày lễ của các Phật tử, lễ Vu Lan giờ đây
đã trở thành ngày lễ báo hiếu của người Việt Nam, tinh thần mùa Vu Lan
cũng được mở rộng ra không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục
tình yêu thương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương cha mẹ,
đồng bào, dân tộc, là nền tảng nuôi dưỡng ta trở thành những con người
có giá trị, có phẩm cách và đạo đức./.
Nguyễn Hảo