(TUAG)- Sáng 10/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về công chứng tại UBND tỉnh An Giang. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương làm trưởng đoàn. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh tiếp đoàn.
Quang cảnh buổi làm việc
Giám đốc Sở Tư pháp Cao Thanh Sơn báo cáo thực tiễn tại An Giang
Theo UBND tỉnh An Giang, ngay khi Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành, địa phương quan tâm, tích cực chỉ đạo việc triển khai đến sở, ban, ngành, tổ chức, người dân trên địa bàn. Từ đó, giúp hoạt động công chứng phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân lẫn tổ chức có nhu cầu công chứng; tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Toàn tỉnh hiện có 45 công chứng viên đang hành nghề, 2 phòng công chứng, 23 tổ chức hành nghề công chứng. Sau 9 năm thi hành Luật Công chứng 2014, toàn tỉnh giải quyết 990.505 hồ sơ công chứng, 937.860 hồ sơ chứng thực, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 29,5 tỷ đồng.
Đoàn khảo sát trao đổi, đề nghị làm rõ nhiều vấn đề
Các thành viên trong đoàn khảo sát tập trung trao đổi, đề nghị làm rõ một số nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng; công chứng điện tử; khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng; những bất cập trong Luật Công chứng năm 2014 so thực tiễn, cần xem xét, cân nhắc khi xây dựng dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sắp tới.
Phát biểu kết thúc buổi khảo sát, đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, An Giang là địa phương đầu tiên được đoàn khảo sát đợt này. Qua đó, ghi nhận những mặt công tác tỉnh An Giang đạt được về lĩnh vực công chứng, các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của tỉnh. Đoàn công tác sẽ báo cáo cấp thẩm quyền để tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), để luật ngày càng sát thực tiễn.
GIA KHÁNH