Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoạt động Đại biểu Quốc hội và HĐND

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Hoạt động Đại biểu Quốc hội và HĐND
Thứ 3, Ngày 13/05/2025, 16:00
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
13/05/2025 | Hải Lam

(TUAG)- Chiều 13/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: Nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

QH-thaoluan-ht-13-5.jpg

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tham gia thảo luận tại Hội trường vào chiều ngày 13/5

Tham gia thảo luận tại Hội trường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thể chế, phát triển đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đại biểu nhận định dự thảo Luật có nhiều nội dung đột phá, như: Quy định về khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc từng phần; cơ chế khuyến khích trong mua sắm công; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quản lý kết quả nhiệm vụ; xử lý tài sản và thương mại hóa kết quả nghiên cứu v.v…Đại biểu kỳ vọng khi Luật được ban hành sẽ "khơi thông", tháo gỡ các "rào cản", "điểm nghẽn"… tạo động lực cho sự phát triển của Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài.

QH-thaoluan-ht-13-5-ht.jpg

Toàn cảnh phiên họp

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương trao đổi xoay quanh 03 vấn đề:

Thứ nhất - Về nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 4). Đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung nguyên tắc và chính sách được đề cập trong dự thảo Luật. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần tách riêng nội dung quy định về nguyên tắc với những nội dung quy định về chính sách, góp phần tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai và áp dụng Luật trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về chính sách, nhằm khuyến khích các cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại biểu nêu lên thực tế, thời gian qua, có rất nhiều cá nhân, đặc biệt là những người nông dân từ thực tiễn cuộc sống, lao động sản xuất, đã chủ động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chế tạo máy móc, công cụ phục vụ sản xuất rất hiệu quả. Đại biểu cho rằng đây là nguồn lực rất lớn trong xã hội rất cần có chính sách phù hợp, bao quát hơn nhằm thu hút và động viên khuyến khích sự tham gia, góp phần huy động nguồn lực của toàn xã hội vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tương xứng với vai trò là quốc sách hàng đầu.

Thứ hai - Liên quan đến Tạp chí khoa học (Điều 19). Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhận định thời gian qua, Tạp chí khoa học là một Tạp chí có vai trò hết sức quan trọng trong hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và cho rằng đây là hình thức công bố, lan tỏa tri thức; thước đo năng lực nghiên cứu, phát triển; góp phần xây dựng nền học thuật chuẩn mực, khẳng định uy tín, vị thế quốc gia và thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc: Xác định rõ tôn chỉ, mục đích của Tạp chí khoa học - phù hợp với tình hình hiện nay. Theo đại biểu nếu xác định Tạp chí Khoa học là sản phẩm báo chí thì việc thành lập các cơ quan báo chí phải phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc; đồng thời, phải tuân thủ đúng quy định của Luật Báo chí. Trong khi hiện khoản 2, Điều 19 dự thảo Luật quy định: "Các tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được hình thành một hay nhiều tạp chí khoa học". Chính vì thế đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng quy định về Tạp chí Khoa học như dự thảo Luật là chưa phù hợp với yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chưa phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 17 của Luật Báo chí. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, làm rõ, tránh nguy cơ phát triển tràn lan, không đảm bảo chất lượng; hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, dễ bị thương mại hóa, nhất là khi đứng trước áp lực lớn liên quan đến yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu khoa học.

Thứ ba - Về ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 52). Dự thảo Luật đã thiết kế chính sách ưu đãi theo 4 nhóm đối tượng; có các loại ưu đãi được đề cập khá toàn diện và tiếp cận gần hơn với mô hình các nước tiên tiến, với nhiều cơ chế tài chính đột phá, điển hình như việc cho phép thỏa thuận lương, phụ cấp đặc biệt và giao quyền tự chủ trong chi tiêu khoa học v.v…Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc: Quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, trình độ công nhận kỹ sư trẻ tài năng; bổ sung cơ chế đãi ngộ phù hợp dành cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu nói chung, đặc biệt là những người tham gia nghiên cứu cơ bản, đối với các lĩnh vực có tính nền tảng và lâu dài.

Đồng thời cần quy định rõ về điều kiện, tiêu chí được hưởng ưu đãi; song song đó, cần thiết lập một khung tiêu chí tối thiểu cho mỗi nhóm đối tượng (chẳng hạn: Đã công bố nghiên cứu, có sáng chế hoặc là chủ nhiệm đề tài...). Nghiên cứu, bổ sung thêm các ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia nghiên cứu tại Việt Nam. Bên cạnh cần bổ sung cơ chế ràng buộc, quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người hưởng ưu đãi và có cơ chế đánh giá hiệu quả sau khi thụ hưởng ưu đãi (có thể theo chu kỳ từ 3 - 5 năm). Qua đó, tránh tình trạng hành chính hóa; ưu đãi dàn trải; đồng thời góp phần, đảm bảo tính công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ ngân sách; tạo động lực phấn đấu và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện./.

HẢI LAM

Lượt người xem:  Views:   237
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật1

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by