(TUAG)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 08/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ
Thảo luận tại Tổ 16 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: An Giang, Kon Tum, Hà Nam, Lai Châu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có đồng chí Trình Lam Sinh tham gia phát biểu thảo luận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh phát biểu
Đại biểu Trình Lam Sinh nhận định: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được đưa ra thảo luận trong bối cảnh Quốc hội đang tiến hành sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 phục vụ cho Chủ trương lớn - Cuộc cách mạng về sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta là cấp thiết nhằm phù hợp với mô hình mới của Nhà nước, tránh xung đột pháp lý và bảo đảm hiệu quả tổ chức trong thực tiễn.
Bên cạnh thống nhất cao sửa đổi, bổ sung 02 dự án luật này, đại biểu nêu vấn đề cần quan tâm đó là: Về mặt pháp lý, việc thành lập Tòa án khu vực sẽ có quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn; thành lập Viện kiểm sát khu vực sẽ phụ trách được nhiều đơn vị hành chính cấp xã, với chức năng thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như một cơ quan liên vùng. Tuy nhiên, bên ngành Công an lại chưa hình thành Công an khu vực mà chỉ mới hình thành công an xã phường. Vậy giải quyết sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp như Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án như thế nào trong mối quan hệ tố tụng? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo lưu ý để việc sửa đổi bổ sung các luật có liên quan thật sự đồng bộ trong hoạt động quản lý, tư pháp và thi hành pháp luật.
Đại biểu cũng lưu ý trong thực tiễn, việc hình thành Viện Kiểm sát và Tòa án khu vực sẽ giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí duy trì bộ máy, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính độc lập khi không còn phụ thuộc hoặc áp lực can thiệp của chính quyền địa phương cấp huyện. Tuy nhiên, quá trình này có thể dẫn đến một số bất tiện, như: Người dân sẽ tốn nhiều chi phí, công sức tiếp cận pháp lý, nhất là ở vùng sâu, vùng xa khi phải di chuyển xa hơn để được tiếp xúc, khiếu nại, tố cáo, theo dõi quá trình tố tụng hay tham dự phiên tòa; khó duy trì mối quan hệ phối hợp tố tụng giữa Công an – Viện Kiểm sát – Tòa án, có thể gây lúng túng trong chuyển giao hồ sơ, làm giảm hiệu quả xử lý án.
Từ những vấn đề trên, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo rà soát các bộ luật được sửa đổi bổ sung lần này và các bộ luật tố tụng nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính tương thích, thống nhất và khả thi trong thực tiễn. Quy định việc thiết lập các trung tâm hỗ trợ tư pháp tại cấp xã như điểm tiếp nhận đơn khởi kiện, tư vấn pháp luật, hoặc tổ chức phiên tòa lưu động để bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân không bị thu hẹp. Quy định việc số hóa mạnh mẽ hệ thống tư pháp, tăng cường tiếp nhận nộp đơn trực tuyến, xử lý án trực tuyến và tra cứu hồ sơ từ xa, kiểm sát giam giữ từ xa để phù hợp với mô hình hoạt động mới. Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá độc lập sau khi thực hiện, nhằm điều chỉnh kịp thời nếu phát sinh vướng mắc trong thực tế và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
Cuối cùng đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng cùng với các bộ luật khác, 02 bộ luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tại kỳ họp thứ 9 lần này là một thay đổi về cấu trúc tổ chức bộ máy tư pháp, nếu thực hiện cẩn trọng, đồng bộ thì đây là bước tiến lớn trong cải cách tư pháp và bộ máy nhà nước.
Về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, phù hợp với luật khác và nhất là đã có sự cải cách về mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra. Luật được ban hành năm 2022 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, đồng thời giảm thiểu những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực thi luật.
Đại biểu nêu ra Dự thảo Luật bao gồm 9 chương và 64 điều, so với Luật Thanh tra 2022 đã kế thừa 30 điều; lược bỏ 54/118 điều; sửa đổi, hoàn thiện 23 điều; bổ sung 11 điều. Bao gồm việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra tập trung đầu mối 2 cấp Trung ương và địa phương, kết thúc hoạt động của thanh tra Bộ, sở và cấp huyện, các chức năng thanh tra chuyên ngành sẽ chuyển sang kiểm tra chuyên ngành. Như vậy giảm bớt đầu mối rất nhiều, chỉ tính riêng cấp huyện đã giảm gần 700 đầu mối thanh tra, cấp sở giảm hơn 1000 đầu mối như tờ trình đã thể hiện. Điểm mới chú ý của việc sửa đồi lần này là thống nhất hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính hay thanh tra chuyên ngành như trước đây. Tuy nhiên, đại biểu đặt ra vấn đề là cần đảm bảo tránh được sự chồng chéo, trùng lắp của hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giám sát hay kiểm toán…
Góp ý nội dung cụ thể trong dự án Luật, tại khoản 6 Điều 6 các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra có quy định “Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác, chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định “thay đổi, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”. Bởi trong thực tế có thể xảy ra hành vi này nhằm làm thay đổi nội dung và kết quả thanh tra./.
H.L