(TUAG)- Chiều 25/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” trên địa bàn An Giang.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chủ trì buổi giám sát

Quang cảnh buổi giám sát

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh



Các đại biểu Đoàn Đại biều Quốc hội và lãnh đạo các sở ngành tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chủ trì buổi giám sát. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh, lãnh đạo các sở ngành tỉnh.
Báo cáo với đoàn giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ An Giang Lê Nguyên Châu cho biết: Thời gian qua, tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả trong công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách và chương trình phát triển nhân lực được triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt như giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, và dịch vụ du lịch.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực đã gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đặc biệt, các trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, và các chương trình đào tạo nghề đã đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng nền tảng nhân lực cho tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Công Thức khẳng định, thời gian qua tỉnh nghiêm túc thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ. Việc thu hút đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp vào công tác đào tạo cũng đạt được những kết quả nhất định, tạo thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nhân tài. Tuy nhiên, còn một số khó khăn hạn chế, như sự chênh lệch về chất lượng nhân lực giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thiếu hụt lao động có tay nghề cao ở các ngành mũi nhọn, cũng như hạn chế trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp. Các hạn chế này phần lớn do nguồn lực tài chính còn hạn chế, hệ thống cơ chế chính sách chưa hoàn thiện và môi trường làm việc tại địa phương chưa đủ sức cạnh tranh so với các khu vực khác.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại An Giang, với các ưu đãi về tài chính, nhà ở và cơ hội đào tạo nâng cao; xây dựng các cơ chế khuyến khích người lao động quay trở về làm việc sau khi được đào tạo ở nước ngoài, thông qua hỗ trợ tài chính hoặc đảm bảo vị trí công việc phù hợp. Cải thiện các chính sách đãi ngộ và bảo đảm công bằng giới và xã hội. Đồng thời tăng cường hợp tác đào tạo và sử dụng nhân lực, gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động; phát triển năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giải pháp về nguồn lực.
Tại buổi giám sát, các đại biểu thảo luận, giải trình, làm rõ những vấn đế liên quan công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành giáo dục, các khó khăn trong công tác đấu thầu các gói đào tạo giáo dục; chương trình đào tạo nghề, chính sác thu hút đào tạo nghề; khó khăn trong thu hút nhân lực y tế, nông nghiệp…
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh nhấn mạnh: Đây là chuyên đề rất quan trọng, qua đó ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị, những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ tháo gỡ; những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tập hợp, kiến nghị, đề xuất Trung ương. Đồng thời đề nghị, UBND tỉnh có đề xuất điều chỉnh các chế độ chính sách đào tạo nhân lực; việc tuyển dụng, cử tuyển... cần tính toán hợp lý hơn.
HẠNH CHÂU