(TUAG)- Sáng 12/02, khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua nội dung, chương trình làm việc trong 6,5 ngày (từ ngày 12/2 đến 19/2), khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Quang cảnh phiên họp
Sau phiên khai mạc, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tham gia thảo luận tại Tổ 10 gồm các Đoàn: Phú Thọ, An Giang, Quãng Ngãi.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến phát biểu
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, so với luật hiện hành, điểm mới của dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là quy định về tham vấn chính sách. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ giữa vấn đề “tham vấn chính sách” và vấn đề “lấy/xin ý kiến”.
Đại biểu nêu rõ: “Nếu chúng ta không làm rõ hai vấn đề này thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan lấy ý kiến và các cơ quan được tham vấn. Theo quy định của luật hiện nay, chỉ được tham vấn các cơ quan như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ đối với chính sách. Như vậy, muốn “tham vấn rộng hơn, mở hơn” lại không được. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ cũng là đối tượng xin ý kiến. Như vậy là vừa có văn bản xin ý kiến, vừa có văn bản tham vấn chính sách, do đó khó bảo đảm tính độc lập và minh bạch”.
Nhấn mạnh “tham vấn” rộng hơn “lấy/xin ý kiến” và “lấy/xin ý kiến” chỉ là một bước trong quy trình xây dựng luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nêu ví dụ, vấn đề điện hạt nhân có thể tham vấn cả quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về hạt nhân… thậm chí tham vấn đối với người dân nếu chính sách lớn, có tác động thì cần thiết có tham vấn. Do đó, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị làm rõ khái niệm “tham vấn” trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo Luật để bảo đảm tính độc lập, minh bạch, giúp ích cho các cơ quan xây dựng chính sách.
Về hình thức tham vấn chính sách, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ tham vấn bằng Hội nghị rất là khó, vì vậy, đề nghị nên mở rộng hơn hình thức tham vấn. Đơn cử, không phải lúc nào chuyên gia quốc tế cũng có thể đến dự họp để tham vấn chính sách, trong thời đại công nghệ thông tin, nên linh hoạt hơn về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách để đem lại hiệu quả tốt hơn. Do đó, tại Điều 30 của dự thảo Luật quy định về lấy ý kiến, tham vấn chính sách, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị nên tách riêng vấn đề lấy ý kiến (gồm quy trình, thủ tục, đối tượng) cũng như vấn đề tham vấn chính sách vì đây là vấn đề mới, đồng thời nghiên cứu thêm về kỹ thuật lập pháp./.
N.H