
Quang cảnh phiên họp.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc
hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã xem xét 27 nội dung, nhóm nội dung gồm 16 nội dung sẽ trình
Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 bất thường; 2 nội dung sẽ trình Quốc hội tại
kỳ họp thứ 9 và 9 nội dung về vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, trong đó trọng tâm là phục vụ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ
máy; 4 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã
cho ý kiến về các nội dung trọng tâm, cấp bách do Chính phủ trình nhằm
tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc
phòng, an ninh đất nước và cơ chế chính sách đặc thù đối với một số dự
án, công trình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời
gian diễn ra phiên họp, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ
Đảng ủy Chính phủ đã họp để thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến các nội dung
sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thống nhất những vấn
đề xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. “Tuy yêu cầu gấp về tiến độ, áp lực
về thời gian, nhiều nội dung khó, phức tạp, song chất lượng của các nội
dung trình tại phiên họp điều cơ bản đạt yêu cầu, đủ điều kiện trình
Quốc hội xem xét. Các vấn đề lớn cơ bản được sự đồng thuận giữa cơ quan
trình và cơ quan thẩm tra”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Ngay sau phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội
đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội tập trung cao nhất, khẩn
trương hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, các báo cáo thẩm tra và
các tài liệu kèm theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục
rà soát, đối chiếu để đảm bảo tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất giữa
các dự án luật. Khẩn trương gửi tài liệu của kỳ họp đến đại biểu Quốc
hội để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thảo luận, biểu quyết bảo đảm chất
lượng, đạt sự đồng thuận cao.
Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội
dung, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội rà soát kỹ,
chuẩn bị thật chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thông tin,
an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần để Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn
ra chu đáo, an toàn và thành công.

Đại biểu dự họp.
Do tính chất rất quan trọng của kỳ họp,
Chủ tịch Quốc hội đề nghị công tác thông tin tuyên truyền trong, trước,
sau kỳ họp phải thông tin đầy đủ, sâu sắc, tạo sự lan tỏa sâu rộng, tích
cực, tạo khí thế mới, quyết tâm mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân,
tất cả vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Tổng Thư ký Quốc
hội chủ động phối hợp với các cơ quan, nhất là Ban Tuyên giáo và Dân vận
Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp đầy đủ thông tin cho
các cơ quan báo chí.
Bên cạnh công tác chuẩn bị Kỳ họp bất
thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Kỳ họp thường kỳ lần thứ 9
với dự kiến khối lượng nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn
đề quan trọng của kỳ họp là rất lớn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị
các cơ quan phải tích cực chuẩn bị, trước mắt, phải báo cáo đảm bảo tiến
độ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ tháng 03/2025.
Song song với việc ổn định tổ chức bộ máy
sau kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung
cao độ, bám sát chương trình, kế hoạch, kết luận của Chủ tịch, các Phó
Chủ tịch Quốc hội tại các cuộc họp để chủ động tổ chức triển khai công
việc, đảm bảo hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không
ngắt quãng.
Đồng thời thực hiện tốt chế độ, chính
sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tác động ảnh hưởng do sắp
xếp tổ chức; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng
viên, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi cá nhân, vì sự phát triển chung của
đất nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần phát biểu. Tiếp tục nâng
cao chất lượng công tác phối hợp, tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng
tạo, cầu thị, lắng nghe, sẵn sàng, chủ động, xử lý kịp thời, hiệu quả
những việc mới phát sinh./.
Q.H