(TUAG)- Sáng 6/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc nên cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tham gia thảo luận
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Trình Lam Sinh - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đánh giá cao dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp lần này đã hiện thực hóa những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giao cho địa phương quyết địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Đại biểu Trình Lam Sinh thống nhất với các nhóm chính sách mà dự thảo luật quy định, thể hiện tính phân cấp rất mạnh mẽ; tăng tính chủ động, tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho UBND các cấp, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt là các quy định, như: tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; giao UBND các cấp phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ; nhóm B và nhóm C do địa phương quản lý; phân cấp thẩm chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất; cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án…
Những chính sách này khi được thông qua sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, dự án phát triển. Đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất cần quy định chi tiết trong dự thảo luật trình tự, thủ tục tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, nhằm tránh việc lợi dụng thực hiện sai mục đích dự án; quy định định mức kinh tế kỹ thuật cho chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án và thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với dự án bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan (thiên tai, giải phóng mặt bằng phức tạp) để đủ thời gian hoàn thành và kết thúc dự án. Đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu phân cấp công tác thẩm định dự án nhóm A; kiểm tra, nghiệm thu đối với công trình cấp I cho cơ quan chuyên môn ở địa phương có dự án, để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách theo tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Việc sửa đổi Luật cũng khắc phục những bất cập trong xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kịp thời áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Q.H