(TUAG)- Sáng 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, chất lượng, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang bày tỏ nhất trí với việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, bởi văn hóa vừa là nền tảng để phát triển, vừa là động lực cho sự tiến bộ xã hội, vì thế việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là hoàn toàn phù hợp.

Đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng cần quan tâm đến đối tượng thụ hưởng của chương trình rất rộng, bao gồm người việt nam trong và ngoài nước, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp, thiết chế văn hóa, riêng các loại hình di sản, di tích chỉ xác định đến cấp quốc gia. Theo đại biểu chương trình đã bỏ sót các di sản, di tích ở địa phương chưa được xác định cấp bậc, loại hình có rất nhiều trong dân gian, rất cần được quan tâm bảo tồn và phát huy, bởi nó được hình thành cùng với tiến trình phát triển của cư dân Việt trong hàng nghìn năm qua.
Về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của các giai đoạn, đại biểu cũng đồng tình, nhất là nhóm mục tiêu 6 (phát huy tính dân tộc, tính đại chúng, tính khoa học của văn hóa thông qua việc đổi mới sáng tạo, tiếp thu, nghiên cứu, áp dụng những thành tự khoa học, công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm văn hóa biểu tượng của việt nam và giới thiệu với thế giới), đây chính là định hướng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. Đồng thời, chương trình cũng đưa ra sản phẩm đến năm 2035 là phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, sức mạnh nội sinh của con người và xã hội việt nam.
Về kinh phí thực hiện Chương trình, chính phủ dự toán gần 250 ngàn tỷ, chia làm 2 giai đoạn. Con số trông có vẻ rất lớn nhưng nếu nhìn vào các mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn thì tôi lại lo là không đủ để có thể đạt được mục tiêu cao nhất mà chương trình hướng tới. Lấy ví dụ, giai đoạn 2025-2030 có 9 nhóm mục tiêu, trong đó có những mục tiêu định hướng tới năm 2030 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đầy đủ 3 loại hình thiết chế; 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; có ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; hàng năm có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của việt nam và chưa kể các mục tiêu khác cũng có yêu cầu giải ngân cao. Nếu chia đều thì hàng năm chi cho chương trình là khoảng 25 ngàn tỷ, chia cho 63 tỉnh thành thì con số không phải là quá lớn. Tuy nhiên, vấn đề mà đại biểu quan tâm ở đây là tỷ lệ vốn từ ngân sách địa phương thực hiện chương trình là gần 25%, tức là khoảng trên 30 ngàn tỷ đồng, đối với các địa phương có nguồn thu chưa đủ cân đối, còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương từ 50% trở lên thì rất khó khăn do còn rất nhiều việc phải lo cho xã hội.
Về đề xuất chuyển Dự án 6 của chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình này trong giai đoạn 2025-2030. Về vấn đề này, đại biểu cho rằng, tên gọi của dự án 6 là: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Nghe thì có vẻ phù hợp với Chương trình phát triển văn hóa, nhưng xét kỹ thì đây là dự án tạo sinh kế cho người dân thông qua việc: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Về đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu thống nhất bởi nội dung này nằm ngoài quy định của luật đầu tư công. Việc xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp chúng ta giới thiệu và lan tỏa văn hóa, đất nước, con người việt nam với bạn bè quốc tế nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện.
Từ những vấn đề trên, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị Chính phủ giải trình thêm một số nội dung:
Một là, báo cáo về danh mục dự án, khung nhiệm vụ sẽ xây dựng sau khi Chương trình có hiệu lực. Việc này sẽ giúp đại biểu có thể hình dung được tính hiệu quả giải ngân của các nguồn vốn.
Hai là, đề nghị chính phủ báo cáo thêm về đối tượng thụ hưởng chưa được đưa vào chương trình, chủ trương của chính phủ về vấn đề này như thế nào.
Ba là, báo cáo thêm về sự cần thiết và hợp lý của việc đề xuất chuyển dự án 6 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua Chương trình MTQG phát triển văn hóa để giúp đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn trước khi quyết định.
Bốn là, đề nghị chính phủ nghiên cứu thêm tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Bởi hiện nay, nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn còn phải xuất kinh phí giải quyết nhiều vấn đề ở địa bàn.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Theo Bộ trưởng, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải ban hành Chương trình và mong muốn Chương trình sớm được ban hành; các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để Chương trình có tính khả thi cao khi triển khai thực tế.
Ghi nhận ý kiến góp ý hết sức trách nhiệm, sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tập trung phân tích, làm rõ thêm một số nội dung về: cách thức tiếp cận; trùng lặp đối tượng thụ hưởng Chương trình; cơ cấu nguồn vốn của Chương trình; vấn đề ngân sách phân cấp;…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, phiên thảo luận đã có 29 ý kiến phát biểu, 03 ý kiến tranh luận; các ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, ngắn gọn, đa chiều, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình. Đây là chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các ý kiến đại biểu nhận định, Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia, có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa…Góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.
Ngoài ra, nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ và tương thích, khả thi giữa việc xác định các quan điểm chính sách và hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung thành phần của chương trình. Bảo đảm các nội dung đề xuất với Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chương trình phải thực sự là những nội dung quan trọng, cấp thiết, có tính ưu tiên; ....
Để tiếp tục hoàn thiện, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng các khía cạnh, tác động của chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và phát biểu tại hội trường để tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội một cách xác đáng và tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý; hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây.
Q.H