(TUAG)- Tiếp tục chương
trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 16/01, Quốc hội thảo
luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia và việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn
vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng
với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư
công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ
nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tham gia thảo luận tại
tổ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có 01 kiến phát biểu của đồng chí
Hoàng Hữu Chiến góp ý về dự thảo Nghị quyết về một số cơ
chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhìn
chung đại biểu cho rằng dự thảo Nghị quyết còn nhiều điểm vướng cần rà soát,
cân nhắc: Thứ nhất về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ
chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí cho rằng trong quá
trình thực hiện sẽ gặp khó khăn, vướng nhiều thứ bởi các đơn vị cấp tỉnh đang
phụ trách thực hiện dở dang mà chuyển cho cấp huyện quản lý là rất khó.

Thứ hai ở các điều khoản,
ở khoản 7, Điều 4, về các điều kiện, đại biểu cho rằng rất khó cần cân nhắc để
triển khai trong thực tế như: Về điều kiện ưu tiên nhiệm vụ huyện hoàn thành kế
hoạch; rồi có nhiều cách làm hay, sáng tạo; năng lực của huyện; nguồn nhân lực
thực hiện;… Điều 3, giải thích từ ngữ về cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định,
đã phân quyền rồi còn cấp có thẩm quyền như vậy là lại quay ngược lại với đầu
tư công rất khó thực hiện, đây là cơ chế đặc thù.
Hay ở khoản 6, Điều 3,
điều kiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật phức tạp có tiêu chí tổng
mức đầu tư không quá 5 tỷ đồng, theo đại biểu giao như vầy là rất cứng nhắc, địa
phương khó thực hiện. Ở khoản 3, Điều 4, cơ chế, chính sách, có nội dung Hội đồng
nhân dân tỉnh quyết định rồi lại giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định,
đề nghị rà soát lại cho thuận tiện.
Tại khoản 4, Điều 4, tại
điểm b, chủ dự án sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi…, cơ quan quản
lý, đại biểu thông tin trên thực tế có nhiều dự án không thể triển khai giống vật
nuôi cây trồng trên địa bàn. Ở khoản 5, Điều 4, quản lý tài sản từ dự án hoàn
thành hỗ trợ, phương án 1 việc xác định tài sản là do cấp phê duyệt dự án quyết
định, đây cũng là vấn đề khó, nội dung rất chung chung, đề nghị làm rõ.
Về khoản 6, Điều 4 về vốn
cấn đối, khả năng cân đối giao cho cấp tỉnh, huyện, quyết định qua ngân hàng
chính sách xã hội, nhưng tại điểm b lại quy định cấp Ủy ban nhân dân tỉnh quyết
định mức cho vay, đại biểu cho rằng 2 điểm này chồng chéo nhau, cần cân nhắc. Về
tổ chức thực hiện, trong dự thảo có nhiều điểm vướng, đề nghị xác định rõ điểm
nào giao Chính phủ hướng dẫn tổ chức thực hiện…
Hải Lam