(TUAG)- Sáng
24/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Kết
quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân
sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ
ngân sách trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế
hoạch: Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; cơ cấu lại nền
kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -
2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025;
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa,
tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo
cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5,
Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ.

ĐBQH Đôn Tuấn Phong tham gia phát biểu
Tham gia thảo luận tại tổ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có 02 ý kiến thảo luận, cụ thể:
Đại biểu Đôn Tuấn Phong,
ghi nhận nỗ lực vượt "bão lớn" của thế giới, khu vực, Chính phủ đã điều
hành quyết liệt các lĩnh vực, đưa kinh tế - xã hội (KTXH) cả nước phát
triển, đạt chỉ tiêu năm 2023 đề ra. Đại biểu băn khoăn về số liệu phát
triển KTXH trong 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)
chưa khả quan, có dấu hiệu chậm lại; cần đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện
hơn.

ĐBQH Trình Lam Sinh phát biểu
Cùng tham gia thảo luận, Đại biểu Trình Lam Sinh,
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin ý kiến của cử tri tỉnh
An Giang về những khó khăn trong đời sống sinh hoạt của Nhân dân; doanh
nghiệp khó tiếp cận các gói tín dụng hỗ trợ tại ngân hàng... Đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (nhất là công trình trọng điểm quốc gia, công trình trọng điểm ở địa phương); có
cơ chế, chính sách trợ giá, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, giúp kích
thích tiêu dùng trong xã hội; vực dậy thị trường lao động; đẩy mạnh cải
cách hành chính; nghiên cứu loại hình kinh tế, sản phẩm, dịch vụ mới cho Việt Nam phát triển trong tương lai…
Về xã hội, đại biểu cho rằng chưa có năm nào giáo dục đặt ra nhiều vấn đề được dư luận quan
tâm như năm nay, câu chuyện về quỹ lớp, quỹ trường là một điển hình; rồi
bạo lực học đường; sách giáo khoa;… Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào
tạo chỉ đạo các trường đào tạo nên mở mã ngành đào tạo giáo viên tích
hợp; nên có một bộ sách giáo khoa mà thẩm quyền soạn thảo và ban hành là Bộ Giáo dục, đây là tài sản quốc gia. Về y
tế, tình trạng thiếu thuốc cục bộ và các dụng cụ, vật tư y tế vẫn còn
diễn ra, đại biểu đề nghị Bộ Y tế có những giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Về du lịch liên quan đến vấn đề sụt giảm lượng khách du lịch, đại biểu
đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu để có chiến lược
phát triển về du lịch một cách toàn diện nhất. Đại biểu cũng quan tâm
vấn đề thực trạng báo hóa các tạp chí điện tử, các trang mạng xã hội….

Chiều cùng ngày,
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An
ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu,
chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân
sự. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác
nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân
sự. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm
rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Sau đó là nội dung lấy phiếu
tín nhiệm./.
HẢI LAM