(TUAG)- Sáng 29/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Châu Thành (An Giang)
trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Châu Thành

Ông Trình Lam Sinh - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh An Giang đã thông báo với bà con cử tri
Tại buổi tiếp xúc,
thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội, ông Trình Lam Sinh - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh An Giang đã thông báo với bà con cử tri dự kiến nội dung, chương
trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và những vấn đề liên quan đến kỳ họp; kết
quả và hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trong 9 tháng đầu năm
2023 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; thông tin nhanh kết quả giải
quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Châu Thành
thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp Trung ương và UBND tỉnh tại các cuộc tiếp xúc
trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV;

Cử tri có ý kiến với Đoàn ĐBQH.
Với tinh thần dân
chủ, thẳng thắn, bà con cử tri các xã: Vĩnh An, Vĩnh Hanh,
Tân Phú và thị trấn Vĩnh Bình của huyện Châu Thành (An Giang) đã bày tỏ những ý kiến, kiến nghị, đề xuất
các nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đến Quốc hội, Chính
phủ, Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp như: tình
hình an ninh trật tự, thiếu thuốc điều trị ở các bệnh viên, một số bất cập
trong quá trình triển khai định danh cá nhân, Luật căn cước công dân; hạ tầng
giao thông ở An Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu và yếu,…
Nhiều ý kiến cử tri
đề cập tới một số bất cập trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay,
nhất là vấn đề sách giáo khoa, đề nghị chỉ nên có một bộ sách giáo khoa cho
từng lớp học (theo chương trình mới) trong phạm vi cả nước thay vì để từng
trường chọn một bộ sách như hiện nay. Đặc biệt sách giáo khoa không được sử
dụng lại nên hằng năm tốn hàng nghìn tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó
khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình nghèo….

Cử tri kiến nghị
Đảng, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, gia đình có công với
cách mạnh, cả về vật chất và tinh thần; giải quyết
việc làm cho lao động nông thôn,…
Cử tri Lương Thị Nga, (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) cho rằng, chủ trương của Nhà nước khuyến khích người dân tham gia
bảo hiểm y tế tự nguyện, để
giảm bớt gánh nặng chi phí khi khám và điều trị bệnh. Tuy
nhiên, hiện nay nhiều bệnh viện, hết thuốc điều trị cấp cho bệnh nhân do hết
thuốc,không đấu thầu được; bệnh
nhân có bảo hiểm y tế phải mua thuốc ở các nhà thuốc tư nhân vì bệnh viện hết
thuốc.
Đối với vấn đề thay đổi sách giáp khoa hiện nay, cử
tri Lương Thị Nga đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét lại lộ trình việc
thay đổi sách giáo khoa như
hiện nay nhằm tránh lãng phí ngân sách của Nhà
nước và tiền bạc của nhân
dân.

"Trước đây, bộ
sách giáo khoa đều tái sử dụng lại
được, nhưng hiện sách giáo khoa thay đổi theo từng năm và từng cấp học, với giá
mỗi bộ sách giáo khoa từ 300.000- 500.000 đồng. Vào đầu năm học mới, phụ huynh
học sinh phải lo chi phi sách, vở, quần áo, bảo hiểm y tế, dụng cụ học
tập...đây là chi phí không hề nhỏ, nhất là đối
với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, thì không đáp ứng
được, học sinh có
nguy cơ phải bỏ học giữa chừng” - cử
tri Lương Thị Nga nêu ý kiến.
Đồng tình với ý kiến
trên, cử tri Phạm Văn Nhơn (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành) cho biết,
hiện nay, Bộ Công an quy định bắt buộc người dân phải có bảo
hiểm xe mô tô, xe gắn máy, vì khi tham gia giao thông mà không có hoặc không
mang theo Bảo hiểm xe máy bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng, nhưng khi xảy ra sự cố khi
tham gia giao thông thì phía bảo hiểm bồi thường cho người dân không thỏa đáng
và thủ tục để được hưởng bồi thường rất rườm rà, nhiều khê. Do đó để nghị Bộ
Công an xem xét lại quy định trên cho phù hợp.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Bên cạnh đó, Luật
Đất đai hiện nay quy định các trường
hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất nông
nghiệp, trong đó có dối tượng là cán bộ, công chức do được hưởng lương thưởng
xuyên, không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp nên không được nhận chuyển
nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất nông nghiệp. Theo quy định này, nếu
khi cha mẹ, chủ hộ gia đình già yếu muốn để tài sản là đất sản xuất nông nghiệp
lại cho con là cán bộ công chức thì không được. Cử
tri Phạm Văn Nhơn đề nghị Quốc hội cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
Phát biểu tại buổi
tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, trong 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều
hành của Chính phủ, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và người dân, đất
nước ta đa đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội rất khả
quan; tăng trưởng kinh tế tích cực, đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát;
an sinh xã hội, đời sống việc làm của nhân dân được đảm bảo, đặc biệt công tác
đối ngoại của Việt Nam rất thành công. Đối với các ý kiến, kiến nghị của bà con cử tri, Đoàn
đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang xin ghi nhận và trên từng góc độ công việc sẽ
có những kiến nghị ở từng diễn đàn phù hợp.

Phó
Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trả lời ý kiến cử tri
Theo Phó
Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Đồng bằng sông Cửu
Long và An Giang đã góp phần cùng cả nước trong phát triển nông nghiệp, phát
triển cây lúa. Đặc biệt, trong bối
cảnh chung có nhiều khó khăn, nhưng địa phương đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo cho
người dân có cuộc sống ổn định.
Với xu thế hiện nay của
Việt Nam là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong điều kiện nguồn lực
của tỉnh còn nhiều thách thức, Phó Chủ tịch nước Võ
Thị Ánh Xuân đề nghị, An Giang cần tranh thủ tối
đa sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để
tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, kể cả nguồn lực từ các thành phần kinh tế
tư nhân phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, An Giang
cần tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, hệ thống chính trị, đặc biệt là
cấp cơ sở vững mạnh và nâng chất, đảm bảo thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ trong
tình hình mới.
Để trở thành một tỉnh
khá trong khu vực, bằng với mặt bằng chung của cả nước, Theo Phó
Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, An Giang cần phát huy
những lợi thế đang có, đồng thời có chính sách ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư,
phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, nhằm đón đầu các xu thế phát triển mới,
tạo việc làm tại chỗ cho nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân.
Cùng với đó, An Giang
cần tiếp tục quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, phấn đấu đến năm 2025, các
gia đình có công phải có cuộc sống ổn định, trước hết là về nhà ở; tiếp đến là
bà con nhân dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ các mạng không
còn nhà dột nát, tạm bợ; nâng cao đời sống, thu nhập, điều kiện học hành của
con em gia đình người có công và bà con Nhân dân.
Công Mạo