Thời sự xã hội
Thứ 5, Ngày 28/11/2019, 15:00
(TUAG)- Chiều 27/11, tại Hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội, Quốc hội
khóa XIV đã bế mạc Kỳ họp thứ 8 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân. TCTG trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu
bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
“Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, Thưa đồng bào và cử tri cả nước,
Sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp.
Qua
xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ
luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật
khác.
Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý
quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người,
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế-xã hội, bảo
đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động
tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ,
nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.
Với
100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị
quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia
năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm
mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Việc phê
chuẩn hai văn kiện này sẽ là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng
đường biên giới hòa bình, ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn
kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược, toàn diện giữa
Nhà nước và Nhân dân hai nước; đồng thời là cơ sở chính trị, pháp lý để
tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại về phân giới cắm mốc trên toàn
tuyến biên giới.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về
kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, phương
hướng nhiệm vụ năm 2020, qua đó, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ
đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, của các ngành, các cấp, cộng
đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt
qua thách thức để năm 2019 trở thành năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt
toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội đề ra về kinh tế-xã hội.
Quốc hội
cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những
bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực
để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Trước
diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong
đó có tình hình phức tạp ở Biển Đông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động
theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù
hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền,
quyền chủ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Cũng tại kỳ họp
này, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể
phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030.
Đề án bao gồm hệ thống các giải pháp toàn
diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, về
nguồn lực đầu tư và đây là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho
giai đoạn 2021-2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác
tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần
tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển
kinh tế-xã hội của các vùng này so với cả nước, góp phần thực hiện thắng
lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
về công tác dân tộc.
Tại phiên giám sát tối cao về “việc thực
hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn
2014-2018,” bên cạnh ghi nhận những mặt đạt được trong thời gian vừa
qua, Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém, tồn tại, phân
tích rõ nguyên nhân; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp chấn chỉnh những
bất cập, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng
như ý thức người dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và toàn
dân để tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an
toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân, cho các cơ quan, tổ chức và doanh
nghiệp.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này
tiếp tục được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao
cả về nhóm vấn đề được lựa chọn, chất lượng chất vấn cũng như phần trả
lời chất vấn.
Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã
thể hiện thái độ nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, thẳng thắn
nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất
cập trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả, hiệu lực
quản lý trong các lĩnh vực phụ trách.
Quốc hội ghi nhận và đề
nghị các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành sớm có kế hoạch
hành động cụ thể để triển khai thực hiện cho được những cam kết trong
thực tế đạt hiệu quả cao nhất.
Quốc hội đã thảo luận kỹ, cân nhắc
thận trọng, xem xét một cách toàn diện các yếu tố và quyết định các nội
dung quan trọng về công tác tư pháp; về việc khoanh tiền nợ thuế, xóa
nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế
không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Báo cáo nghiên cứu khả thi
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;
thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và một
số nội dung khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành công tác
nhân sự theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Việc
miễn nhiệm và bầu cử nhân sự mới được tổ chức thực hiện bảo đảm đúng
tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự
đồng thuận cao.
Với số lượng lớn các luật, nghị quyết được ban
hành và rất nhiều nội dung quan trọng được xem xét tại kỳ họp đã tiếp
tục khẳng định tính hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động nghị trường; sự
nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ
quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị; sự đồng tâm, nhất trí,
tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội.
Kết quả kỳ họp
tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết, nhưng đồng thời cũng là trách
nhiệm nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành
nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.
Tại kỳ họp này, việc ứng dụng
công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường, dần nâng cao tính chuyên
nghiệp, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội.
Kính
thưa Quốc hội, Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh
tế-xã hội năm 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm
2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5
năm tiếp theo.
Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại
giao rất quan trọng như: tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành
lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75
năm Ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam; 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Đây
cũng là năm chúng ta bắt đầu vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời Việt Nam đảm nhận
vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch
Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41...
Vì
vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm,
hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn
thành tốt một khối lượng công việc lớn và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra
cho năm 2020.
Đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương
triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội vừa được
thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân
tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm
túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân để có những
giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực
quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội
tại kỳ họp sau.
Đồng thời, cần chủ động, tích cực, phối hợp chặt
chẽ để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tổ chức thành
công các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều thành tích
chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
Đề nghị các vị đại
biểu Quốc hội kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện
vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp
thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ, các cơ quan hữu
quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu Nhân dân.
Thay
mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí
lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý đã dành thời gian tham dự,
theo dõi kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội;
cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Đảng,
Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa
phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đơn vị phục vụ đã hoạt động
trách nhiệm, hiệu quả; cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến quý
báu của cử tri và Nhân dân đã góp phần vào thành công của kỳ họp.
Kính
chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý, các vị
đại biểu Quốc hội và toàn thể đồng bào, cử tri cả nước sức khỏe, hạnh
phúc và thành công. Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa
XIV. Xin trân trọng cảm ơn”./.
P.N (Nguồn: VPQH)
Lượt người xem: Views:
52
Bài viết:
Diễn văn bế mạc Kỳ họp thứ 8 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
|