Chính phủ đã lắng nghe và thấy rằng, tất cả ý kiến góp ý đều tâm huyết, trách
nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ Giáo dục, cho ngành Giáo dục và Đào tạo có bộ
sách giáo khoa tốt nhất, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định,
giáo dục là vấn đề lớn, hiện nay Việt Nam đang tiến hành đổi mới giáo dục, nên
gần như năm nào chủ đề giáo dục cũng được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm
góp ý. Đổi mới Chương trình sách giáo khoa phổ thông được thực hiện theo Nghị
quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và được quy định
rất kỹ trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó, Luật đã nêu rõ trách nhiệm của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về sách giáo khoa, từ việc hướng dẫn quy trình
biên soạn, thành lập quy trình thẩm định. Luật Giáo dục (sửa đổi) đã quy định
rõ ràng thẩm quyền không thuộc Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên,
cũng như các vấn đề giáo dục khác, dù không thuộc thẩm quyền nhưng Chính phủ và
Thủ tướng đặc biệt quan tâm vấn đề sách giáo khoa. Trong các phiên họp Chính phủ,
sách giáo khoa đều được đưa ra thảo luận. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng 2 lần họp
với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng các chuyên gia, người tham
gia thẩm định và viết chương trình sách giáo khoa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng
tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội là sai đến đâu, sai mức nào cần có sự
đánh giá của cơ quan chuyên môn. Nhưng qua các buổi làm việc với Bộ Giáo dục và
Đào tạo, tiếp nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, giáo viên có thể khẳng
định bộ sách giáo khoa đã được biên soạn trong đó có cuốn Tiếng Việt của bộ
Cánh Diều do Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định có lỗi, sai sót, có sạn.
Phó Thủ tướng khẳng định những
sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Những việc liên
quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới đi học người bình thường không
hiểu thì phải trao đi đổi lại một cách cởi mở và cầu thị. Thủ tướng Chính phủ,
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu theo đúng
tinh thần như vậy. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhìn nhận rõ sai
sót trong đó có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo cương quyết, đó là thay Chủ tịch Hội đồng
thẩm định sách giáo khoa.
Hiện Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo đối với những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc
để quy trình thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và các năm tiếp theo không để
xảy ra tình trạng tương tự. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho rằng,
có nhiều việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không thông tin kịp thời và có sự trao đổi
cần thiết để đại biểu và người dân có thông tin đầy đủ.
Trước đây, Việt Nam thực hiện một chương trình, một bộ sách
giáo khoa và gần như thực hiện bắt buộc trong hệ thống giáo dục trong cả nước.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ trước đây sử dụng một bộ sách giáo khoa như quy định đồng
phục Áo dài một màu, một kiểu. Hiện nay thực hiện một chương trình nhiều bộ
sách giáo khoa giống như Áo dài có nhiều màu, nhiều chất liệu, nhiều kiểu dáng
khác nhau nhưng nhìn vào vẫn thấy đó là Áo dài. Và một bộ sách hay nhiều bộ
sách thì yêu cầu về chất lượng sách giáo khoa ít nhất phải bằng hoặc cao hơn, tốt
hơn trước kia. Để làm tốt được điều này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và
Đào tạo cần tận dụng công nghệ thông tin, công khai bản thảo sách giáo khoa lên
hệ thống mạng để người dân, giáo viên, người có kinh nghiệm dạy trẻ góp ý, qua
đó chắt lọc tiếp thu để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, với các ý kiến đóng góp
tâm huyết, trách nhiệm cho ngành giáo dục, cùng với việc kế thừa những thành tựu
đã đạt được nhất định chúng ta sẽ đổi mới giáo dục thành công.
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy trình thẩm định sách giáo
khoa. Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội
ngày 3/11 và sáng 4/11/2020, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước những
sai sót trong sách giáo khoa lớp 1, gây bức xúc trong dư luận và cử tri cả nước.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu.
Khi phát biểu về công tác bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn
Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cũng lấy ví dụ về những sai sót
trong sách giáo khoa lớp 1 để nói lên những bất cập trong ngành giáo dục hiện
nay và cho rằng, bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy
là phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành tư
duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn. "Chúng ta hình
dung một cháu bé vào lớp 1, quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng
đang học lại thay đổi, bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay
hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết
cóp nhặt, a dua và không nói thật. Làm sao chúng ta dạy được con cháu mình những
điều tưởng đơn giản như sẽ là nền móng của sự phát triển của đất nước vững chắc
trong tương lai”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Q.H