Đến dự có ông
Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính, Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam; ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và lãnh đạo
Liên đoàn Lao động 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Võ Thanh
Tòng, Cụm trưởng Cụm thi đua, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau cho biết,
thời gian qua, Liên đoàn Lao động các tỉnh trong Cụm đã chỉ đạo triển khai các
biện pháp quyết liệt trong toàn hệ thống công đoàn tại các địa phương góp phần
đảm bảo thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, nhất là
khối sản xuất kinh doanh trước sự tác động xấu từ dịch bệnh COVID-19, hạn hán, xâm nhập mặn.

Ông
Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính, Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam phát biểu tại hội
nghị
Tuy nhiên, trong
6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài
đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp, đời sống, sinh hoạt của đoàn viên, công nhân, viên chức, người
lao động và hoạt động công đoàn; nhất là các doanh nghiệp ngành nghề thủy sản,
du lịch, dệt may... đang gặp khó khăn về nguyên liệu, đơn hàng, thị trường. Một
số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất cầm chừng
hoặc tạm dừng hoạt động, giảm thời gian sản xuất hoặc giải thể, giảm tiền
lương, bố trí lao động làm việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động,...
dẫn đến, thu nhập của đoàn viên, người lao động sụt giảm nhiều, đời sống gặp
nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một
bộ phận người lao động còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình diễn biến phức tạp
của dịch bệnh và thực trạng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định
của pháp luật, nhất là việc nợ bảo hiểm xã hội, nợ kinh phí công đoàn, điều kiện
bảo hộ lao động ở một số doanh nghiệp chưa đảm bảo từ đó ảnh hưởng đến quyền và
lợi ích hợp pháp của người lao động...
Thay mặt Cụm thi
đua, ông Võ Thanh Tòng, Cụm trưởng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau kiến
nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, kiến nghị Ban Dân vận Trung ương
kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét sửa đổi các điều
kiện hỗ trợ cho 2 đối tượng của Nghị quyết 42/NQ-CP là người lao động tạm hoãn
hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt
hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất
nghiệp theo hướng không gắn điều kiện của người lao động với điều kiện của
doanh nghiệp để người lao động được hỗ trợ khó khăn kịp thời. Đồng thời, kiến
nghị, xem xét sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều
kiện hưởng hỗ trợ của người lao động để số đông người lao động khó khăn có thể
được hưởng từ gói hỗ trợ này.
Cũng tại hội nghị,
đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã
trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi
đua của từng địa phương, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Công
đoàn.
Theo ông Lê Văn
Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, thời gian qua, Liên đoàn Lao
động tỉnh An Giang cùng với các cấp Công đoàn trong tỉnh đã thực hiện tốt chức
năng, nhiệm vụ, làm tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của người lao động; Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định,
luôn đồng hành chia sẻ với người lao động vượt qua những khó khăn, cùng với cấp
ủy đảng, chính quyền quan tâm xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, góp phần
vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói
chung.
Đánh giá cao những
kết quả đạt được của Cụm thi đua số 12 Liên đoàn Lao động các tỉnh khu vực Đồng
bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài
chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu, đơn vị Cụm trưởng phối hợp chặt
chẽ với các tỉnh trong khu vực, tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu,
nhiệm vụ theo nội dung giao ước thi đua năm 2020 đã ký kết. Đặc biệt, Liên đoàn
Lao động các tỉnh cần tập trung thực hiện các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đời sống
và bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh
COVID-19 đang bị tạm hoãn hợp đồng lao động, mất việc làm; phối hợp triển khai,
giám sát việc thực hiện NQ 42 của Chính phủ và Quyết định 643 của Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh
hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19.
Toàn Cụm thi đua
số 12 Liên đoàn Lao động các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên
1 triệu công nhân, viên chức, lao động; trong đó, đoàn viên công đoàn chiếm khoảng
91%. Phần lớn công nhân, viên chức, lao động có tư tưởng ổn định, an tâm làm việc,
lao động, sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia hoạt động công đoàn, cùng công đoàn
phòng, chống dịch bệnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của
các tỉnh.
Từ đầu năm đến
nay, Liên đoàn Lao động các tỉnh đã phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua, qua
đó, đã có hàng ngàn giải pháp, sáng kiến, công trình, phần việc ý nghĩa vừa đem
lại nhiều giá trị lợi ích cho đoàn viên, người lao động, vừa đóng góp thực hiện
nhiệm vụ chính trị địa phương, vừa khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức công
đoàn trong hệ thống chính trị. Cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau có 373
công trình, sản phẩm, phần việc; Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang có 104 mô
hình, 284 sáng kiến, giải pháp; Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp có 183 công
trình, phần việc và 3.768 sáng kiến, giải pháp mới; Liên đoàn Lao động tỉnh An
Giang triển khai mô hình “Sát cơ sở, gần công nhân” trong toàn hệ thống,...
Cùng với đó, Công
đoàn các tỉnh đã hỗ trợ cất mới và sửa chữa 337 căn nhà Mái ấm công đoàn. Thực
hiện chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, Liên đoàn Lao động các tỉnh
đã ký kết với hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích ưu đãi cho
đoàn viên. Các lĩnh vực ưu đãi gồm: đồ dùng thiết yếu, xây dựng, giáo dục, công
nghệ điện tử, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí… qua đó đã có hàng chục ngàn
đoàn viên đã được ưu đãi với mức giảm từ 5% - 50% với số tiền hàng tỷ đồng.
Trước tình hình
khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, Liên đoàn Lao động các tỉnh đã tổ chức
hàng loạt các hoạt động hỗ trợ đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động
khó khăn do dịch bệnh. Có gần 20.000 lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ
với nhiều hình thức từ tiền mặt, nhu yếu phẩm, các dụng cụ y tế (khẩu trang, nước
rửa tay sát khuẩn), mua hàng ưu đãi giá “0” đồng trong mùa dịch bệnh, lắp đặt
máy rửa tay sát khuẩn… với số tiền gần 30 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ dụng cụ y
tế, các đồ dùng thiết yếu cho lực lượng y bác sĩ, Bộ đội Biên phòng và những lực
lượng làm nhiệm vụ ở các khu các ly y tế, ở tuyến đầu chống dịch với gần
640.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn, hơn 30.000 chai nước rửa tay, kính chắn
tia, 306 máy đo thân nhiệt. Một số Liên đoàn Lao động tỉnh còn thực hiện vận động
chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê trọ, tiền điện, nước cho đoàn viên, người lao động
tại các Tổ tự quản nhà trọ với mức giảm từ 20% đến 50%; vận động đoàn viên,
công nhân, viên chức, lao động nhắn tin ủng hộ đóng góp quỹ phòng, chống dịch bệnh,
hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng hạn hán với số tiền hàng chục tỷ đồng...

Đại
diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao cờ Cờ thi đua cho 5 Liên
đoàn Lao động tỉnh Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã đạt
thành tích xuất sắc trong phong trào “Công nhân, viên chức, lao động giỏi và hoạt
động công đoàn năm 2019”
Dịp này, Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua cho 5 Liên đoàn Lao động tỉnh Long
An, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã đạt thành tích xuất sắc
trong phong trào “Công nhân, viên chức, lao động giỏi và hoạt động công đoàn
năm 2019”. Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang được nhận cờ thi đua của Chính phủ
với thành tích dẫn đầu phong trào thi đua của Cụm./.
Công
Mạo