Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày
20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành,
bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn,
đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản
pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Một số nội dung lớn sửa đổi lần này trong dự thảo Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ trình như
tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ,
thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực
chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp,
in, an toàn thông tin mạng. Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt
của các chức danh. Quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ
sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử.
Mở rộng phạm vi chủ thể được quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật
nghiệp vụ để xác định vi phạm hành chính. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt
nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới (ngừng
cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn); bổ sung quy định
về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính…Sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp
dụng các biện pháp xử lý hành chính. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến
điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo
đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải
người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ
bản nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm
hành chính; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm khắc
phục những hạn chế, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đáp ứng
yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình
hình mới; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm
tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng
Tháp phát biểu
So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật
do Chính phủ trình lần này được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của
10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động
sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều
24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng...
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận,
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan
trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; trật tự quản lý
hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế- xã
hội, nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, dư luận xã
hội và cử tri. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên dự án Luật này được trình
ra Quốc hội thảo luận với nhiều chính sách mới nên còn nhiều ý kiến
khác nhau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau phiên họp
hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu
quan tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách trực tuyến về dự thảo Luật
này; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổ chức các toạ đàm,
hội thảo lấy ý kiến thêm của các đối tượng chịu sự tác động của dự án
Luật này để báo cáo Quốc hội thật thuyết phục.
P.N