
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với
những nhận định đánh giá tình hình dự kiến kịch bản tăng trưởng và các nhóm nhiệm
vụ giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy
ban Kinh tế. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp phục hồi kinh tế- xã hội sau đại
dịch.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo
quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng trong phòng, chống dịch COVID-19
và những thành quả đầy tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhân dân và cử
tri tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc kiểm soát tốt dịch, các đại biểu cho rằng,
chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện mục tiêu kép: tái khởi động lại
và khôi phục nền kinh tế. Cùng với nhiều văn bản chỉ đạo, Thủ tướng và các Phó
Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc với địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn sau đại
dịch. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9.5 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt
thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” với 6 kết luận quan trọng; gói hỗ
trợ 62 nghìn tỷ cùng gần 40 nghìn tỷ tiền miễn giảm tiền điện, hỗ trợ viễn
thông; chính sách miễn giảm một số nghĩa vụ thuế nộp ngân sách; một loạt các
chính sách kịp thời của ngân hàng nhà nước như Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày
31/3/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông báo số 130/TB-NHNN kết
luận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên quan đến một số giải pháp nhằm kiềm
chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hoạt động tín dụng ngân hàng,
tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cùng với các hội nghị đối thoại trực tiếp
giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp và sự hưởng ứng kịp thời
của hệ thống các tổ chức tín dụng là những tác động cần thiết giúp cho các
doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu tại phiên họp
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) thì kinh tế
toàn cầu tăng trưởng -5,2%. Còn ở Việt Nam, mặc dù dịch bệnh đến nay cơ bản đã
được kiểm soát, nhưng đối với kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh
là khá nặng nề. Trước thực tế này, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế là rất
cần thiết. Chúng ta cần đánh giá sự phát triển của đất nước trên một mặt bằng mới,
một nền tảng mới, với sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị. Đại biểu nhất
trí với đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô
khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nguồn
cung tín dụng cho nền kinh tế,... Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh thì vẫn
phải bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội
Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 02 ngày thảo luận đã có 82 đại biểu Quốc hội
tham gia phát biểu ý kiến, 16 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Các thành
viên Chính phủ cũng đã tham gia giải trình, cung cấp thêm thông tin về các vấn
đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Có 10 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu,
chưa phát biểu được tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề
nghị các đại biểu gửi ý kiến góp ý của mình bằng văn bản về cho Ban Thư ký để tổng
hợp.
Đánh giá cao không khí thảo luân sôi nổi tại phiên họp, Phó
Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội
rất thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng và bao quát được các vấn để mà
cử tri, xã hội quan tâm, phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước
đã thành công với nhiều ý kiến quý báu của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tin tưởng, với sự lãnh
đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa
phương, cùng với sự ủng hộ, ý thức chấp hành của toàn thể nhân dân, tinh thần
phấn đấu, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế của nước ta
sẽ sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19, hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch phát
triển kinh tế- xã hội trong 2020, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp
theo. Các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã được ghi
âm, ghi chép lại đầy đủ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc
tiếp thu và giải trình; hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem
xét, quyết định./.
P.N