
Các đại biểu cơ bản ủng hộ chủ trương chuyển đổi điều chỉnh
chủ trương đầu tư Dự án để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà
nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối
đa cơ hội đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ
giải trình làm rõ nhiều nội dung.
Cơ sở để chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ là thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội,
trong trường hợp nếu không đấu thầu được thì chuyển từ PPP sang đầu tư công.
Làm rõ về việc Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư
với 03 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết
và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
cho biết Chính phủ đã xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu
tư công rất rõ ràng là dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; dự án cấp bách,
có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước;
dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành
công; đảm bảo tính kết nối liên tục để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trong
đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; đoạn Mai Sơn -
Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tính cấp bách, có nhu cầu vận tải
cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước và đảm bảo tính kết
nối liên tục.

Trao đổi làm rõ thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch -
Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đất nước đang trong quá trình phát triển, nhu
cầu đầu tư hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên nguồn lực từ ngân sách rất hạn chế,
quy mô nền kinh tế cũng như phát triển còn khó khăn, ngân sách chưa đáp ứng được
nên chủ trương phải xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội. Thực tế thời gian
qua đã thực hiện chủ trương này, huy động nguồn lực thực hiện các dự án BOT,
thay đổi diện mạo giao thông rất tốt. Tuy nhiên, mặt trái để lại nhiều hạn chế,
hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, quy hoạch chưa tốt, lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng
BOT, năng lực cơ quan nhà nước... đều có vấn đề, gây nên tiêu cực, thất thoát
và bức xúc trong nhân dân.

Việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi
ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển,
khu du lịch, văn hóa và góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh
nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế, nên cần
phải làm, làm sớm đường cao tốc và không còn lý do gì để chậm trễ nữa. Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định chủ trương đã có, quy hoạch có, tiền cũng bố
trí được đủ, phần khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng hiện nay cũng đã thực hiện
được 74% và dự kiến đến quý III/2020 sẽ hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng. Nếu
chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án thành phần như Chính phủ trình thì
dự kiến tháng 8/2020 có thể thi công.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong
muốn Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ để có thể làm nhanh hơn nữa việc xây
dựng đường cao tốc Bắc - Nam.
P.N