
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân
Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án
Luật Biên phòng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ngày 04/3/2020 Chính phủ đã có Tờ trình số 70/TTr-CP về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ngày 25/3/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và trên cơ sở nội dung đã trình, Chính phủ xây dựng Tờ trình thay thế Tờ trình số 70/TTr-CP về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Dự án Luật có 7 chương, 34 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn đất nước trong tình hình mới.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tham gia phát biếu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (dự họp trực tuyến).
Dự án Luật đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật. Trong đó, xác định nhiệm vụ biên phòng là "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước.
Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Biên phòng, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Phan Nguyên