Cùng đi với Đoàn có lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài chính. Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Võ Nguyên Nam, Chủ tịch UBND huyện Ngô Hoàng Hiếu tiếp và làm việc với Đoàn.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nắm tình hình thu mua, tiêu thụ xoài của vựa xoài Văn Biên ở xã Bình Phước Xuân.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã đi khảo sát thực địa tại vùng chuyên canh sản xuất bắp non, vùng nuôi thủy sản ở xã Mỹ An, Nhà máy rau quả Mỹ An (Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang-Antesco) và vùng chuyên canh xoài xã Bình Phước Xuân.
Sau khi khảo sát Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Chợ Mới về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; những khó khăn, vướng mắc, giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản do tác động của dịch COVID-19 tại địa phương. Những khó khăn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khảo sát vùng nuôi trồng thủy sản ở xã Mỹ An
Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Mới, toàn huyện có 6.116 ha trồng xoài, trong đó 4.172 ha xoài đến tuổi cho trái. Riêng diện tích xoài đang cho trái còn lại của 3 xã cù lao Giêng khoảng 279 ha, ước sản lượng 2.647 tấn (xoài cóc chiếm 80%), dự kiến đến hết tháng 4-2020 là thu hoạch dứt điểm. Rau màu xuống giống vụ Đông Xuân 2019 - 2020 là 8.104ha, đã thu hoạch được 7.777ha và đã xuống giống vụ Hè Thu được 2.055 ha/7.990 ha. Tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản toàn huyện là 277,94 ha. Hiện nay giá tiêu thụ cá tra và các loại cá khác thấp hơn mức giá thành khoảng 4.000đ – 5.000đồng/kg nên hộ nuôi thủy sản đang gặp nhiều khó khăn. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết giá các loại nông sản đều bị sụt giảm, một số mặt hàng tiêu thụ khó khăn, nông dân sản xuất không có lợi nhuận và thậm chí thua lỗ, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nông sản lâu dài với nông dân nên việc sản xuất thường xuyên gặp nhiều khó khăn, nông dân không mạnh dạn và khó khăn trong tái đầu tư cũng như mở rộng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
UBND Chợ Mới kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ huyện đầu tư xây dựng nhà sơ chế nông sản để hỗ trợ nông dân sơ chế, bảo quản nông sản, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân. UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần vốn để nông dân tái sản xuất cũng như hỗ trợ địa phương kêu gọi doanh nghiệp có uy tín tham gia liên kết tiêu thụ nông sản để nông dân an tâm sản xuất.
Tại buổi làm việc các Sở, ngành tỉnh đã nêu những khó khăn và đề xuất giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời điểm ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 hiện nay của tỉnh và kịch bản, giải pháp sau khi dịch bệnh được khống chế. Giới thiệu các gói hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản do tác động của dịch COVID-19
Kết luận buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân biểu dương tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Mới thời gian quan dù trong điều kiện dịch bệnh khó khăn đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Sâu sát với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân có hoàn cảnh khó khăn chịu tác động của dịch bệnh.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đến nay theo đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nông nghiệp chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng không được chủ quan, phải lường trước hậu quả để có giải pháp ứng phó. Trước mắt đánh giá được đối với diện tích sản xuất cây lúa, rau màu có liên kết sản xuất, hoạt động ổn định, thị trường không ảnh hưởng lớn, nhưng ngược lại cây ăn trái, thủy sản và rau màu chưa liên kết sản xuất bị tác động thấy rõ. Qua đó giúp địa phương định hướng được mô hình sản xuất nông nghiệp để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả hơn thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Chợ Mới cần thực hiện 3 nhiệm vụ song song: ưu tiên phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội gắn đời sống của nhân dân trong điều kiện dịch bệnh và sau khi dịch kết thúc đề nghị huyện chủ động tính toán kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng để phát triển nhanh hơn. Đề nghị cấp ủy chính quyền kịp thời rà soát các đối tượng được hỗ trợ, tránh tiêu cực, sơ sót trong thực hiện chính sách. Trong sản xuất cần gắn thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ, đầu tư khoa học công nghệ. Cả hệ thống chính trị cần cải cách tối đa thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng, dân tiếp cận các gói hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế.
Tin, ảnh: HẠNH CHÂU