Có dịp về
thăm huyện miền núi Tri Tôn, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh
sống. Đồng bào Khmer nơi đây là một trong những dân tộc gắn bó lâu đời
nhất cùng bà con người Kinh khai hoang mở đất. Do cuộc sống và tập tục
sinh hoạt, bà con Khmer thường chọn các vùng đất ven chân núi để hình
thành các phum, sóc. Mỗi phum sóc là nơi quần tụ hàng trăm nóc nhà, biệt
lập với nhau, có khi là giữa ruộng đồng bao la, lúc lại dưới chân núi,
mỗi phum sóc như vậy lại có một ngôi chùa được hình thành do chính bà
con cùng nhau bỏ tiền, công sức xây dựng. Chùa càng đẹp chứng tỏ cuộc
sống của phum sóc càng phát triển. Do vậy, những nét văn hóa đặc trưng
nhất đều quần tụ về chính những ngôi chùa.
Chiếc xe bò đua có niên đại hàng trăm năm rất quý được trưng bày tại chùa Sà Lôn
Qua bãi khai thác đá, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ dân sinh dẫn
vào chùa Sà Lôn, chị Neáng Oanh, một người dân thuộc sóc Sà Lôn bảo:
“Đường láng nhựa đẹp vầy là do Hòa thượng Chau Sơn Hy kêu gọi bà con
đóng góp xây dựng. Trước bụi lắm, bây giờ đi vô sóc sướng rồi. Mà chú
nhà báo tìm thầy để viết về vụ khắc cây hay cái bảo tàng nhỏ để mấy cái
vật dụng bằng gỗ. Nó hay lắm đó, cứ vài bữa là tui vô coi, được Hòa
thượng chỉ nghe sướng lắm!”. Chưa để khách hỏi han, cái cách bắt
chuyện đậm chất dân dã, bình dị của chị Neáng Oanh khiến tôi càng hứng
thú hơn tìm đến chùa để tận mục sở thị bảo tàng mini ấy.
Trời đã
quá trưa, được sự giới thiệu ngắn gọn của ông Chau Kuon, nguyên Trưởng
Ban nhân dân ấp Sà Lôn, Hòa thượng Chau Sơn Hy vui vẻ tiếp chuyện ngay
sảnh chùa. Ông bảo: “Chuyện ra đời bảo tàng mini này cũng khá bất
ngờ. Ngày trước, tôi thích đục đẽo gốc cây cổ thụ để làm tượng, bàn ghế.
Khi số lượng nhiều tôi xây nhà để trưng bày, nhưng chỉ trưng bày nó thì
không đa dạng nên tôi nghĩ, trong những lần đi xuống nhà bà con, thấy
nhiều vật dụng mà không còn dùng, bỏ vứt tùm lum nên tôi xin về chỉnh
sửa rồi trưng bày, lưu niệm. Từ một món rồi hai, ba món, tôi kêu gọi mọi
người, nhà nào có vật dụng không dùng đến thì mang đến chỗ tôi để lưu
giữ. Vậy là bảo tàng hình thành một cách tự nhiên”.
Bộ cố giã gạo
Dẫn tôi thăm bảo tàng, Hòa thượng Chau Sơn Hy bảo: “Những ngày
lễ Tết dân tộc Khmer, nhưng đông nhất là Tết nguyên đán, thanh niên con
em Khmer đi làm ăn xa về nhiều lắm. Các cháu về, đi viếng chùa là vô đây
tham quan bảo tàng. Những lúc đó dẫu mệt nhưng rất vui, dẫn mấy cháu đi
chỉ dạy từng món đồ, công dụng và vai trò của nó trong đời sống bà con
Khmer ngày xưa như thế nào. Mình dạy các cháu văn hóa dân tộc bằng trực
quan vậy mà nhớ lâu, ý thức nhiều lắm". Một không gian văn minh,
văn hóa lúa nước của bà con Khmer Nam bộ gần được tái hiện sinh động
trong không gian gần trăm mét vuông của bảo tàng mini trong chùa Sà Lôn
ven chân núi Họa Long Sơn khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Đi thăm từng hiện
vật, Hòa thượng Chau Sơn Hy chỉ dẫn chi tiết. Đó là chiếc xe bò đua
bằng gỗ căm xe có tuổi thọ hơn 120 năm vẫn còn bóng đẹp được ông Chau
Him hiến tặng, đây là chiếc duy nhất còn sót lại trong vùng, vì ngày
nay, loại hình đua xe bò này đã không còn được tổ chức, cho nên chiếc xe
bò đua này vô cùng quý giá. Rồi bộ cày, bừa có tuổi thọ cả trăm năm
khác được Hòa thượng sửa sang một phần do thời gian dài không còn sử
dụng hư hại. Rồi đó là bộ năm chiếc cối gỗ, cả chày đủ kích cỡ bằng lõi
gỗ giáng hương được xem là bộ chày cối độc đáo nhất trong cộng đồng
Khmer An Giang vẫn còn nguyên bản được Hòa thượng mang về từng những năm
2009.
Bên dãy đối diện, hàng loạt chiếc nơm cá, xúc cá đủ loại
được Hòa thượng cẩn trọng sắp xếp theo kích cỡ. Rồi bộ lưỡi hái dùng
trong việc cắt lúa nước vô cùng độc đáo gồm cần gạt và lưỡi liềm mà tôi
đoan chắc rằng khó có thể tìm thấy ở một bảo tàng nào có đầy đủ như ở
nơi đây. Bộ cối xay gạo có niên đại cũng gần trăm năm cũng bằng gỗ vẫn
còn sử dụng và được Hòa thượng trưng bày với thóc, trấu tái hiện sinh
động công năng sử dụng. Cầm mỗi chiếc trên tay, ông như hòa mình cùng
quá khứ, từng câu giải thích rất cụ thể như một nhà văn hóa, sử học
chuyên sâu. Không chỉ những công cụ sản xuất, canh tác nông nghiệp hiện
đã di vào quá khứ trong chu trình canh tác ngày nay được Hòa thượng bảo
tồn, mà đó còn là những chiếc cửi, thoi đưa gắn liền với nghề dệt truyền
thống đồng bào Khmer...
Bộ dụng cụ gặt lúa mùa nổi
Đi một vòng và được chính chủ nhân tận tình giải thích, chúng tôi
mới hiểu được vì sao hàng năm có đến hàng ngàn người đến đây để tìm hiểu
về nét đẹp văn hóa và những nông cụ mà giờ đã không còn hiện hữu trong
đời sống cộng đồng.
Khi được hỏi về những mong muốn của mình để
bảo tàng nhỏ phát triển, Hòa thượng Chau Sơn Hy bày tỏ: Tôi vẫn luôn tâm
niệm rằng việc phát triển bảo tàng chính là để người dân hiểu hơn về
nét đặc trưng văn hóa Khmer ở An Giang nói riêng và cả ở Nam Bộ nói
chung; qua đó góp phần làm rõ hơn “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Song Thư